Tinh Vân Đại Bàng, còn được gọi là Messier 16 hoặc M16, là một trong những cảnh quan tuyệt vời nhất có thể được nhìn thấy qua một kính viễn vọng lớn. Đó là nơi có chứa một số cấu trúc nổi tiếng mà đáng chú ý là các Trụ Cột Sáng Tạo tuyệt đẹp, là một vùng tạo sao đang hoạt động, như bạn có thể thấy trong hình dưới. Ngoài ra nó còn chứa một số vùng tạo sao khác. Nó cũng có nhiều tinh vân phát xạ, hay những đám mây có thể tự phát sáng. Nó cũng có chứa một số tinh vân tối. Chúng không tự phát sáng, nhưng có thể nhìn thấy được vì chúng che khuất ánh sáng từ các nguồn lân cận.
Các Cột Sáng Tạo (Pillars of Creation).
Tinh vân Đại Bàng nằm ở hướng của chòm sao Serpens, cách chúng ta khoảng 7.000 năm ánh sáng và có thể nhìn thấy trên bầu trời vào thời điểm này trong năm (đọc thêm về tinh vân tại đây).
Hãy xem những bức ảnh dưới đây và tìm hiểu thêm về vùng không gian này, một trong những vùng không gian thú vị và đẹp đẽ nhất mà chúng ta biết.
Vào cuối thế kỷ 18, khi đối tượng này bắt đầu được xếp vào các danh mục bởi các nhà thiên văn học sau khi được phát hiện bởi Jean-Philippe de Cheseaux trong khoảng thời gian từ 1745 tới 1746, chỉ có cụm sao được nhìn thấy, và do đó nó được xêp vào danh mục của Messier với ký hiệu là M16, nằm trong số "những thứ không nên nhầm lẫn với sao chổi". Cụm sao này sau đó được gọi là tinh vân Nữ Hoàng Tuyết.
Về sau, sự ra đời của kỹ thuật chụp ảnh thiên văn đã tiết lộ một vùng lớn khí hydro phát sáng mà mắt thường không nhìn thấy được. Tinh vân trông giống như một con đại bàng với đôi cánh dang rộng, tạo nên tên gọi chung hiện nay là Tinh vân Đại Bàng.
Khi nhiếp ảnh độ phân giải cao hơn và sau đó là nhiếp ảnh kỹ thuật số bắt đầu tiết lộ ngày càng nhiều chi tiết, đặc biệt là các mảng tối (tức là các tinh vân tối), nhiều khu vực riêng biệt trong Tinh Vân Đại Bàng đã được đặt tên riêng. Ngày nay, tên không chính thức của Tinh Vân Đại Bàng được dùng để chỉ tất cả những thứ nằm bên trong nó. Một số trong đó nổi tiếng, và tất cả đều đẹp.
Tinh vân Đại Bàng bất ngờ gây thu hút trong nhận thức chung của thế giới vào năm 1995, khi Hubble tập trung sự chú ý vào một tinh vân tối ở trung tâm của nó, bạn có thể thấy trong ảnh ở đầu bài đăng này.
Vị trí của M16 trên bầu trời. Nó nằm trong khu vực của chòm sao Serpens, giữa Sagittarius và Ophiuchus.
Những chỗ lồi tối đầy mê hoặc của khí dày đặc được tìm thấy là nơi hình thành các ngôi sao mới và các hệ mặt trời. Bức ảnh có tên là Trụ Cột Sáng Tạo. Nó đã mang lại cái nhìn đầu tiên về sự sinh ra của các ngôi sao và các hệ mặt trời vào buổi bình minh của chúng. Các Trụ Cột Sáng Tạo rất lớn, cao khoảng 4 tới 5 năm ánh sáng. Bản thân Tinh Vân Đại Bàng trải dài khoảng 70 x 55 năm ánh sáng.
Các khu vực tương tự, chẳng hạn như Vòng xoáy sao ở phía bên trái của Đại Bàng, cũng đang hình thành các ngôi sao mới thông qua sự kết hợp của các quá trình. Khí lạnh, chủ yếu là hydro của tinh vân đã thúc đẩy sự hình thành một loạt các sao trẻ, nóng. Khi khí tiếp tục sụp đổ dưới lực hấp dẫn của chính nó thành các dạng tối mà chúng ta thấy, các ngôi sao và hệ mặt trời mới được hình thành và tiếp tục phát triển khi chúng hút ngày càng nhiều khí vào mình. Tuy nhiên, áp suất ánh sáng mạnh từ các ngôi sao mới hình thành và gió sao của chúng đang làm xói mòn các túi khí lạnh dày đặc, làm giảm sự hình thành sao mới và phân tán tinh vân. Tuy nhiên, cùng lúc đó, các sóng xung kích, nơi ánh sáng và gió sao tác động vào khí lạnh, làm nóng và nén một số khí lạnh cùng một lúc, dẫn đến một tập hợp các môi trường hình thành sao mới.
Vòng xoáy sao (Stellar Spire).
Tác giả Martin MacPhee của EarthSky đã kể lại cách đây vài năm như sau:
Tôi rất vui vì có thể nhìn thấy những cấu trúc này với chiếc kính có đường kính chỉ 8 inch (khoảng 20 cm) của mình, đặc biệt là khi chúng nằm cách xa khoảng 7.000 năm ánh sáng, còn Vòng xoáy sao cao tới 9,5 năm ánh sáng (~9 nghìn tỷ km) - khoảng gấp đôi đường kính của Hệ Mặt Trời. Khi nhìn thấy chúng trên đường lái xe ở ngoại ô Maryland ô nhiễm ánh sáng nặng của Washington DC, tôi hiểu rằng mình đang làm rất tốt. Và với giá thấp hơn khoảng 10 tỷ dollar so với chi phí của kính thiên văn Hubble, điều này khiến vợ tôi cũng thấy hạnh phúc!
Và còn nữa. Vào năm 2015, một số nhà khoa học cho rằng các Trụ và Xoáy có thể đã biến mất, là nạn nhân của một làn sóng xung kích lớn từ một vụ nổ supernova xảy ra từ 6.000 năm trước. Ý tưởng được đưa ra là ánh sáng của nó đã đi qua chúng ta, nhưng các sóng xung kích di chuyển chậm hơn sẽ phải mất hàng nghìn năm nữa để quét qua Tinh Vân Đại Bàng, phá hủy các cấu trúc mỏng manh mà chúng ta đang ngắm nhìn rất say mê. Sau đó, vào năm 2018, quan điểm đó lại thay đổi. Một bổ sung mới cho thấy dữ liệu cũ đề xuất việc phá hủy là do lỗi. Thay vào đó, có vẻ như, những cấu trúc này có thể sẽ tồn tại hàng trăm nghìn năm nữa trước khi từ từ bay hơi mất.
Minh Phương
Theo Earthsky.org