Perseverance lanch

Hôm qua, 30/07/2020, thiết bị thăm dò Mars Perseverance của NASA đã rời khí quyển Trái Đất và bắt đầu cuộc hành trình dài ngày tới Sao Hỏa.

Cuộc phóng này đã được thực hiện thành công lúc 7h50 EDT, tương đương với 20h50 tối ngày 20 tháng 7 theo giờ Việt Nam. Perseverance đã được phóng lên bởi tên lửa Atlas V-541 ở bãi phóng Launch Complex 41 thuộc Căn cứ không quân mũi Canaveral. Theo dự kiến, thiết bị tự hành này sẽ đáp xuống Sao Hỏa vào ngày 18 tháng 2 năm 2021 tại vị trí của miệng núi Jezero và từ đó sẽ bắt đầu phân tích địa chất và khí hậu hành tinh này.

Mars Perseverance là một phần trong chương trình "Moon to Mars" (Từ Mặt Trăng tới Sao Hỏa) của NASA và sẽ khám phá một khu vực trên Sao Hỏa được cho là có chứa nước trong quá khứ. Nó sẽ khoan các mẫu đất và trầm tích, sau đó lưu trữ lại để đưa về Trái Đất trong tương lai. Nó cũng sẽ thực hiện các phân tích địa chất và theo dõi khí hậu của hành tinh này, mà một trong những mục tiêu hướng tới là tìm hiểu xem làm thế nào để giữ cho các nhà du hành sống sót trong tương lai trong môi trường khắc nghiệt của Sao Hỏa. Nhiệt độ ở miệng núi Jezero có thể xuống tới -90 độ C vào ban đêm. Ngoài ra, Sao Hỏa còn bị bắn phá bởi bức xạ Mặt Trời - thứ có thể gây nhiễm độc bức xạ và ung thư. Nó cũng bị bao phủ bởi những trận bão bụi lớn, giống như cơn bão đã phủ lên xe tự hành Mars Opportunity hồi năm 2018.

Perseverance mang theo những mẫu vải được dùng cho những bộ đồ không gian mà các kỹ sư của NASA hi vọng rằng có thể giúp cho con người chịu đượng được môi trường ở Sao Hỏa. Lịch trình của chương trình Moon to Mars của NASA là sẽ đưa một nam giới và một phụ nữ tới Mặt Trăng vào năm 2024 và sau đó sẽ chuẩn bị đưa người tới Sao Hỏa. Để làm điều đó, họ sẽ cần tới những bộ đồ không gian thế hệ tiếp theo có khả năng ngăn chặn các bức xạ và giữ cho các nhà du hành có được nhiệt độ thoải mái bên trong.

Vào mùa xuân tới, Perseverance bước đầu sẽ thử thả một thiết bị khác là trực thăng Mars Ingenuity. Chiếc máy bay không người lái mini này là chiếc trực thăng đầu tiên sẽ bay trên một hành tinh khác. Nó có một cánh quạt bốn cánh làm bằng sợi carbon có thể quay với tốc độ 2.400 rpm (vòng/phút) để nâng cho nó bay trong khí quyển mỏng của Sao Hỏa. Các nhà khoa học của NASA hi vọng rằng họ có thể cho chiếc trực thăng này bay thành công để mở ra một phương thức mới trong việc thám hiểm liên hành tinh.

Perseverance cũng được trang bị những thiết bị đặc biệt để có thể nghiên cứu ở khoảng cách xa. Nó mang các camera cho phép các nhà khoa học nghiên cứu tình hình khoáng vật và hóa địa chất mà không cần nhìn trực tiếp vào mẫu thu được, cùng với một số máy quang phổ có thể tìm ra các nguyên tố có mặt trong các mẫu đất. Các cảm biến của Perseverance có thể đo nhiệt độ, vận tốc gió, độ ẩm, áp suất, cũng như hình dạng và kích thước của các hạt bụi.

Một thiết bị nữa mà Perseverance mang theo là MOXIE - viết tắt của cụm từ Mars Oxygen In-Situ Resource Utilization Experiment, dịch một cách dễ hiểu là một thiết bị tận dụng nguồn tài nguyên trong điều kiện oxy của Sao Hỏa. Nó có thể sản xuất ra oxy từ khí quyển Sao Hỏa - vốn chứa 95% carbon dioxide. Oxy được tạo ra này có thể được sử dụng để đốt nhiên liệu cho tên lửa, cho phép các nhà du hành ở Sao Hỏa trong tương lai có thể tự quay trở về Trái Đất.

Bryan
Theo Live Science