asteroid

Các nhà khoa học khi tìm kiếm thông qua những ghi chép cổ của Đế chế Ottoman đã tìm thấy những lá thư từ các quan chức cấp cao mô tả một quả cầu lửa lớn theo sau là các mảnh vụn thiên thạch đã rơi xuống một ngôi làng ở Iraq.

Vào ngày 10 tháng 8 năm 1888, vào khoảng 8h30 tối, một quả cầu lửa sáng rực cả bầu trời phía trên một ngôi làng miền núi ở khu vực Kurdistan gần Sulaymaniyah, Iraq ngày nay. Quả cầu lửa mang theo một vệt khói khi nó bay qua một ngôi làng lân cận. Sau đó, nó phát nổ trên cao, san bằng các loại cây trồng và gây ra mưa đá trong khoảng 10 phút trên một ngọn đồi hình kim tự tháp. Các mảnh vỡ rơi xuống đã giết chết một người đàn ông và làm bị thương một người khác. Gần đây, một nhóm các nhà khoa học gồm hai người ở Thổ Nhĩ Kỳ và một ở Mỹ, đã tìm thấy sự kiện này trong các tài liệu lưu trữ của Đế chế Ottoman. Đây là đế chế cai trị một vùng rộng lớn ở châu Âu, châu Á và châu Phi trong giai đoạn giữa thế kỷ 14 và 20, và được biết đến là nơi lưu giữ những ghi chép tỉ mỉ và việc số hóa gần đây của các ghi chép đó khiến chúng trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Các nhà nghiên cứu đã công bố phát hiện của họ vào ngày 22 tháng 4 trên tạp chí Meteoritics & Planetary Science.

 

Khám phá lại một tai nạn cổ xưa

Để khám phá những cái chết đầy kịch tính gây ra bởi thiên thạch, nhà khoa học hành tinh Ozan Unsalan của Đại học Ege ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông và các đồng nghiệp đã liên tục tìm kiếm các tài liệu lưu trữ mới để tìm một số từ khóa được dịch như thiên thạch, cầu lửa, đá từ trên trời rơi xuống,... Trong số hàng triệu tài liệu, họ nhận được 10 kết quả, ba trong số đó là các lá thư về sự kiện này. Các bài báo khác bao gồm một số câu chuyện bổ sung chưa được công bố về các vụ tấn công tiềm năng của thiên thạch.

Các tài liệu của sự kiện năm 1888 rất hấp dẫn bởi vì chúng được viết bởi các quan chức cấp cao địa phương, bao gồm cả thống đốc khu vực, và được chuyển đến cho hoàng đế. Hơn nữa, họ còn viết rằng các mảnh đá đã được thu thập từ vị trí bị ảnh hưởng và gửi đến triều đình. Unsalan và nhóm của ông đã tìm kiếm các thiên thạch này trong các bảo tàng và kho lưu trữ khu vực, nhưng cho đến nay vẫn ra về tay không. Những tảng đá không gian tiềm năng đó có thể đã bị mất trong một bộ sưu tập bảo tàng nào đó.

Các tác giả của nghiên cứu cho biết đây là cái chết gây ra bởi thiên thạch lâu đời nhất được ghi chép trong lịch sử, bởi vì không một sự kiện nào khác có thể được khẳng định đồng thời hồ sơ lịch sử đáng tin cậy cùng một mảnh mẫu từ địa điểm này. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhắc lại là, trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã không thể tìm thấy hoặc xác nhận rằng các mảnh đá được cho là thu thập sau sự kiện năm 1888 có nguồn gốc ngoài Trái Đất.

Mưa sao băng Leonids bùng nổ vào năm 1833 đã dẫn tới sự phát triển mạnh mẽ các nghiên cứu về sao băng, đồng thời gây sốc cho công chúng khi đó. Hình ảnh này được vẽ lại sau sự kiện dựa trên mô tả về lượng sao băng khi đó.

 

Các tuyên bố lịch sử về những cái chết gây ra bởi thiên thạch

Tuy nhiên, lịch sử rất phong phú với các ghi chép về những người đã bị thiệt mạng bởi thiên thạch. Trong nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm và tranh luận về những tuyên bố lịch sử về con người và động vật có thể đã chết trong các tai nạn đó.

Ví dụ, vào ngày 14 tháng 9 năm 1511, một thầy tu và một số động vật được cho là đã thiệt mạng ở vùng Bologna, Ý, sau khi hơn 45 kg thiên thạch rơi xuống. Và trong các tài liệu cổ của Trung Quốc đã nói rằng 10 người đã bị giết bởi một sao băng lớn rơi vào trại phiến quân vào ngày 14 tháng 1 năm 616. Trước đó, mọi người không thực sự biết thiên thạch là gì. Nhưng vào đầu những năm 1800, cộng đồng khoa học thống nhất rằng, các thiên thạch rơi xuống từ không gian. Và kể từ đó đã có nhiều tài liệu về những người bị thiệt mạng bởi chúng. Năm 2016, một tài xế xe buýt đang đi bộ gần một trường đại học ở Ấn Độ đã chết và ba người khác bị thương khi một thiên thạch được cho là bị vỡ vụn và phát nổ trên không. Chính phủ Ấn Độ và thậm chí một số nhà nghiên cứu đã ủng hộ tuyên bố này, và các trang tin tức chính thống toàn cầu cũng đã lan rộng câu chuyện này. Nhưng những thông tin đó đã chìm xuống sau khi một bài viết trên tờ New York Times cho biết NASA phản bác việc đó là vụ nổ của một thiên thạch. Tuy nhiên, NASA chưa bao giờ thực sự phân tích sự kiện này và cũng không đưa ra bất kỳ cuộc điều tra khoa học nào.

Vệt khói để lại do thiên thạch lao qua bầu trời Chelyabinsk (Nga) năm 2013. Hàng trăm người đã bị thương do vụ nổ của thiên thạch này.

 

Xác nhận đầu tiên về cái chết bởi thiên thạch?

Đáng ngạc nhiên là chưa có một cái chết nào được chứng minh là gây ra bởi thiên thạch, dù nó đã được sự chấp nhận rộng rãi trước đây. Rất khó để tìm được bằng chứng tuyệt đối. Có lẽ trường hợp được xác nhận gần nhất trong lịch sử là sự kiện Tunguska nổi tiếng ở Siberia vào năm 1908, trong đó các tài liệu lịch sử cho thấy có ít nhất một người đã chết bởi một vụ nổ trên không này. Nhưng các nhà khoa học không bao giờ tìm thấy các mảnh vỡ của thiên thạch, vì vậy chưa có ai từng nghiên cứu vật liệu từ thiên thạch đã rơi xuống này.

Ở thời điểm hiện tại, có một sự kiện gần đây hơn xảy ra vào năm 2013, khoảng 1.200 người đã bị thương trong vụ nổ trên không ở Chelyabinsk, Nga. Sự kiện này, được ghi lại rộng rãi trên các máy quay và camera giám sát, nó có vẻ rất giống với hình ảnh được mô tả trong các ghi chép cổ của Đế chế Ottoman. Một tiểu hành tinh đường kính khoảng 18m đã lao vào bầu khí quyển của Trái Đất với tốc độ khoảng 64.400 km/h. Sức nóng và áp lực khủng khiếp mà nó phải hứng chịu khi vùn vụt lao qua bầu khí quyển của chúng ta khiến nó phát nổ trên không như một quả cầu lửa khổng lồ. Sóng xung kích của vụ nổ sau đó đã thổi tung các cửa sổ khắp thành phố, làm rơi vãi những mảnh vỡ sắc nhọn nguy hiểm. Sóng xung kích thậm chí đủ mạnh để đục một lỗ lớn trên một cái hồ đóng băng. Hầu hết mọi người gặp nguy hiểm với các mảnh kính vỡ bay ra tung tóe; một người đàn ông đã bị chấn thương lưng nghiêm trọng do bị hất văng xuống đất. Nhưng, may mắn thay, đã không ai thiệt mạng.

Nhà vật lý học Mark Boslough là một chuyên gia về thiên thạch và là một trong những nhà khoa học phương Tây đầu tiên đến Nga sau sự kiện Chelyabinsk năm 2013. Ông không tham gia vào nghiên cứu mới về sự kiện năm 1888, nhưng ông thừa nhận rằng các nhà nghiên cứu sự kiện này đã có một câu chuyện hấp dẫn, dù không có chứng cớ rõ ràng nào. Ông nói thêm: “Sẽ rất thú vị nếu nghiên cứu lịch sử này dẫn đến những khám phá về thiên thạch”.

Nhân viên phòng thủ hành tinh của NASA, Lindley Johnson, người cũng không tham gia vào nghiên cứu mới, cho biết ông bị thu hút bởi nghiên cứu này. Ông nói: “Tôi thấy câu chuyện của họ đáng tin đến mức, có thể là rất nhiều năm sau chúng ta sẽ thật sự tìm được một mẫu thiên thạch của sự kiện đó”.

Những bức thư được gửi cho hoàng đế Ottoman mô tả rằng thiên thạch đã rơi xuống khu vực ngọn núi hình kim tự tháp đâu đó gần Sulaymaniyah, Iraq. Tên của ngôi làng không được nhắc đến cụ thể, nhưng qua đối chiếu thì các nhà nghiên cứu thấy rằng mô tả khớp với địa điểm này.

 

Và, lần này, các nhà nghiên cứu có một cơ hội hợp lý để tìm ra bằng chứng trực tiếp đó, nếu nó tồn tại. Nhóm nghiên cứu có kế hoạch tiến hành một cuộc thám hiểm tới Iraq để tìm bất kỳ bằng chứng nào có thể vẫn đang ẩn giấu trên mặt đất. Họ biết khu vực chung. Và trong khi các ngôi làng chính xác được đề cập trong các văn bản đã được đổi tên hoặc không còn tồn tại, các tài liệu nói rằng các thiên thạch rơi xuống một loạt các ngọn đồi hình kim tự tháp. Trong các nghiên cứu của họ với cùng một kho lưu trữ của Đế chế Ottoman, các nhà khoa học thực sự đã tìm thấy một bản vẽ từ đầu những năm 1900 của một dãy núi nhỏ trong khu vực cho thấy những ngọn đồi hình kim tự tháp có vẻ khớp với mô tả đó.

Unsalan nói: “Chúng tôi hy vọng sẽ tìm thấy vị trí chính xác sau những ngày khó khăn này, với hy vọng tìm thấy một số mẫu”. Ông cũng đề cập đến việc hạn chế đi lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ông nói: “Chúng tôi biết nơi nó đã xảy ra, nhưng việc này cần được xác minh tại chỗ”.

Nếu họ có thể tìm thấy các thiên thạch đó trong khu vực, nạn nhân sẽ là người duy nhất trong lịch sử được xác nhận là đã bị giết chết bởi một thiên thạch.

Minh Phương
Theo Astronomy