Đôi khi bạn có thể thấy Trái Đất như là nơi cuối cùng mà bạn muốn ở. Quả thật, đã có nhiều người nghĩ tới ý tưởng di chuyển nền văn minh của chúng ta ra khỏi hành tinh này. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên, vì sự hứa hẹn về một nơi xa xôi và bí ẩn luôn có vẻ quyến rũ.
Nhưng thực tế là càng tìm hiểu về vũ trụ, chúng ta càng nhận ra nơi này đặc biệt như thế nào. Như nhà vật lý nổi tiếng Carl Sagan đã viết khi nhìn hình ảnh Trái Đất được chụp từ ngoài không gian, hành tinh của chúng ta là một "chấm xanh mờ nhạt, mái nhà duy nhất mà chúng ta biết", nó là một nơi đẹp đẽ, tinh tế và hoàn hảo cho sự sống.
William Anders - một nhà du hành của nhiệm vụ Apollo 8 (nhiệm vụ không gian đầu tiên hướng tới Mặt Trăng) - nói: "Khi tôi nhìn lên và thấy Trái Đất đang mọc lên từ chân trời đầy khắc nghiệt của Mặt Trăng, một Trái Đất với màu sắc duy nhất mà chúng ta có thể thấy, một Trái Đất trông thật mỏng manh và tinh tế, tôi đã ngay tức khắc bị choáng ngợp bởi ý nghĩ rằng giờ đây khi chúng tôi đã tới Mặt Trăng, và thứ đẹp nhất mà chúng tôi nhìn thấy là hành tinh quê hương của chúng ta - Trái Đất."
Sau đây là chín lý do khiến Trái Đất là một nơi tuyệt vời nhất để sống.
1. Chúng ta có thể hít thở thật sâu và trong lành
Được biết tới với cái tên "Hành tinh Đỏ" bởi những hạt gỉ sắt trong đất, Sao Hỏa luôn mê hoặc con người. Vậy sẽ ra sao nếu như chúng ta sống ở thế giới xa xôi này? Một ngày kia, các nhà du hành sẽ tìm ra câu trả lời. Nhưng chúng ta đã biết rằng việc sống ở đó sẽ cần đến nhiều hỗ trợ. Chúng ta sẽ không còn có thể hít thật sâu một bầu không khí giàu oxy trong khi tận hưởng một làn gió nhẹ của mùa xuân lướt trên da. Không có bộ áo du hành để cung cấp dưỡng khí, con người sẽ phải hít khí carbon dioxide - một loại khí độc mà chúng ta thở ra dưới dạng chất thải của hệ hô hấp.
Trên hết, khí quyển của Sao Mỏa chỉ mỏng bằng 1% khí quyển Trái Đất, đồng thời với việc thiếu từ trường sẽ khiến chúng ta phơi mình dưới những bức xạ nguy hiểm có thể làm tổn thương các tế bào và ADN, còn trọng lực yếu (chỉ bằng 38% Trái Đất) sẽ làm suy yếu xương của chúng ta. Bên cạnh những vấn đề liên quan tới cơ thể thì thực tế là sóng trên Sao Hỏa sẽ kém vui hơn. Dạo trên bãi biển? Quên chuyện đó đi. Ở Sao Hỏa, có rất nhiều cát, nhưng không có nổi một bể bơi chứ đừng nói tới hồ hay đại dương, còn nhiệt độ trung bình ở đó là khoảng -63 độ C. Những người chịu lạnh giỏi nhất cũng sẽ thấy rằng khí hậu Sao Hỏa là một vấn đề lớn.
2. Có bề mặt rắn để đứng
Trái Đất có những đồng cỏ, những ngọn núi và sông băng. Nhưng nếu tới Mặt Trời, chúng ta phải tạm biệt những thứ đó. Mặt Trời là một quả cầu plasma khổng lồ siêu nóng. Nếu bạn cố gắng đứng lên bề mặt của Mặt Trời - mà các nhà khoa học gọi là quang cầu, bạn sẽ rơi xuyên vào trong. Tới độ sâu 330.000 km, bạn sẽ gặp một lớp plasma được nén đặc như nước. Tuy nhiên, bạn sẽ không nổi trên đó mà thay vào đó bạn sẽ bị nghiền nát bởi áp suất lớn gấp 4,5 triệu lần nơi sâu nhất của đại dương trên Trái Đất.
Trọng lực ở bề mặt của Mặt Trời lớn gấp 28 lần ở Trái Đất, còn nghĩa là mọt người nặng 77kg khi ở Mặt Trời sẽ chịu trọng lực tương đương với 2.245 kg. Việc đó giống như phải đeo trên lưng cả một chiếc SUV. Nhiệt độ ở quang cầu là khoảng 5.500 độ C, tức là nóng gấp 5 tới 10 lần dung nham núi lửa, và đó cũng không phải nhiệt độ nóng nhất của Mặt Trời. Sẽ "mát mẻ" hơn được một chút nếu như bạn tới được một vết đen, nơi mà nhiệt độ sẽ giảm bớt khoảng 1.600 độ C. Rõ ràng đó là điều kiện không thể sống được với bất cứ ai.
3. Vòng tuần hoàn các mùa
Ngay từ những giai đoạn đầu tiên được ghi nhận của lịch sử, con người đã theo dõi và ca ngợi sự biến đổi của tự nhiên từ những ngày u ám của mùa đông tới sự rực rỡ của mùa xuân và cả những ngày hè bất tận, ... Các mùa có được là do sự nghiêng của trục Trái Đất khiến cho từng bán cầu luân phiên nhau hướng về phía Mặt Trời theo chu kỳ năm. Hành tinh ngay gần chúng ta là Sao Kim thì có trục gần như không nghiêng, và vì thế nó không có mùa, mặc dù có những dấu vết cho thấy nó có thể đã từng rất giống Trái Đất, với đại dương đầy nước bao phủ bề mặt đá.
Ngày nay, hành tinh láng giềng này của chúng ta có khí quyển rất dày, và đặc gấp 55 lần khí quyển Trái Đất. Điều đó khiến nó có nhiệt độ lên tới 465 độ C, tức là nóng hơn những lò nướng nóng nhất ở các gia đình. Khí quyển đó cũng che mờ bầu trời, khiến bạn không thể nhìn lên các ngôi sao khi đứng trên bề mặt của nó. Mặc dù không hề thuận lợi cho sự sống, nhưng kể ra thì Sao Kim cũng không tệ lắm khi mà một ngày của nó dài bằng 243 ngày Trái Đất trong một năm lại chỉ bằng 225 ngày Trái Đất, vì ngày dài hơn năm nên khi ở Sao Kim bạn sẽ luôn có thể ăn mừng sinh nhật của mình.
4. Trọng lực của Trái Đất không kéo chúng ta thành những sợi mì
Lỗ đen là những thứ được nén cực mạnh. Bề mặt của nó là một thứ gọi là chân trời sự kiện, nơi mà mọi thứ đi qua đó sẽ không thể quay lại. Kể cả chúng ta có tạo ra được một con tàu để tới được lỗ đen gần nhất, thì trọng lực của lỗ đen lớn tới mức mà khi tới quá gần, con tàu và mọi người trong đó sẽ bị kéo giãn ra như những sợi mì, một thứ mà các nhà khoa học gọi là spaghetti hóa (spaghettification - sự kéo dài để tạo thành mì spaghetti).
Quái gở hơn nữa là thời gian ở gần một lỗ đen trôi chậm hơn. Với một người quan sát từ xa, con tàu lao vào lỗ đen sẽ chậm dần khi tới gần chân trời sự kiện, và quá trình đi vào lỗ đen của con tàu sẽ kéo dài vĩnh viễn không chấm dứt. May mắn thay, không có lỗ đen nào ở gần Trái Đất hay ở trong Hệ Mặt Trời, và vì thế chúng ta an toàn. Chúng ta cũng may mắn vì Trái Đất có trọng lực vừa đủ để chúng ta không bị thổi bay đi và cũng không đến mức không thể đứng và di chuyển.
5. Chúng ta có thể tận hưởng những cơn gió dễ chịu
Những vòng xoáy đầy màu sắc của mây trên Sao Mộc có thể khiến hành tinh này là một điểm đến tuyệt vời cho ... những người nhảy dù. Họ cần phải mang theo oxy vì khí quyển của Sao Mộc hầu hết là hydro và heli (giống như Mặt Trời), còn các đám mây chức hầu hết là amoniac. Đi xuyên qua khí quyển Sao Mộc là việc dành cho những người đặc biệt thích cảm giác mạnh. Trọng lực của nó khiến cho người nhảy dù rơi nhanh gấp 2,5 lần so với khi ở Trái Đất, đồng thời bị cuốn đi ngay trong lúc rơi bởi những cơn gió đạt vận tốc từ 430 đến 680 km/h.
Những cơn gió của Sao Mộc khiến cho những trận bão lớn nhất trên Trái Đất như chỉ còn là những cơn gió nhẹ, còn những tia sét ở đó thì mạnh gấp 1.000 lần sét trên hành tinh chúng ta. Ngay cả nếu như người nhảy dù vượt qua được hàng trăm kilomet khí quyển như vậy, anh ta cũng khó mà chạm tới được một bề mặt rắn nào đó. Đây là một hành tinh khí khổng lồ. Ngay cả lõi trong của Sao Mộc có phải là rắn hay không cũng là điều mà các nhà khoa học chưa thể khẳng định.
6. Một quả cầu lấp lánh với xanh da trời, trắng và xanh lá cây
Ở những nơi có thủy triều cao nhất trên Trái Đất, độ chênh lệch giữa mức thủy triều cao nhất và thấp nhất là khoảng 15 mét. Trong khi đó, vệ tinh Io của Sao Mộc phải chịu đựng trò kéo co giữa lực hấp dẫn của Sao Mộc và của hai vệ tinh khác là Europa và Ganymede. Sự giằng co này khiến cho bề mặt của nó thường xuyên phồng lên rồi xẹp xuống với biên độ tới 100 mét - mà đó là chúng ta đang nói về sự lên xuống của đá chứ không phải là nước.
Việc này khiến cho phần bên trong của Io trở nên cực nóng và nó trở thành thiên thể có hoạt động núi lửa mạnh nhất Hệ Mặt Trời. Từ ngoài không gian, nó trông như một chiếc bánh pizza bị mốc. Một số núi lửa phun dung nham lên đến độ cao hàng trăm km. Ngoài ra, bầu khí quyển mỏng chứa đầu lưu huỳnh và bức xạ cực mạnh từ Sao Mộc khiến nơi này sẽ không phải chỗ phù hợp cho một kỳ nghỉ mát.
7. Một bầu trời trong xanh, những ngày nắng và nước để bơi
Nếu như có một nơi nào đó trong vũ trụ mà chúng ta đã biết có thể cạnh tranh với Trái Đất thì đó là Titan. Vệ tinh này của Sao Thổ là vệ tinh lớn thứ hai của Hệ Mặt Trời (sau Ganymede). Ở một số điểm, Titan là nơi giống Trái Đất nhất mà chúng ta đã biết. Khí quyển dày của nó có áp suất chỉ hơn ở Trái Đất một chút, nó có thể bảo vệ con người khỏi những bức xạ nguy hiểm. Cũng như Trái Đất, Titan cũng có mây, mưa, sông và hồ, hay thậm chí cả một đại dương nước mặn bên dưới bề mặt. Ngay cả khung cảnh ở vệ tinh này cũng giống phần nào Trái Đất.
Mặc dù có vẻ hứa hẹn, nhưng Titan lại có những vấn đề lớn khác. Không hề có oxy trong khí quyển của vệ tinh này. Còn những sông và hồ hấp dẫn kia thì sao? Chúng chứa toàn methane lỏng. Vậy nên đừng mặc đồ tắm vội. Cơ thể chúng ta đặc hơn methane, nên sẽ chìm nghỉm như đá. Một thứ khác mà bạn sẽ không có ở Titan là bạn sẽ không thấy Mặt Trời rực sáng trên bầu trời xanh. Titan không chỉ cách xa Mặt Trời hơn nhiều so với Trái Đất, khí quyển của nó còn ngăn cản ánh sáng Mặt Trời, khiến cho ban ngày tối như lúc hoàng hôn.
8. Có đất liền khô ráo, và không bị chôn vùi trong băng
Vệ tinh Europa của Sao Mộc là một trong những nơi tốt nhất để tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất. Nó có thể có nhiều nước hơn tất cả đại đương trên Trái Đất cộng lại. Hãy tưởng tượng cảnh bạn đứng trên cát ấm áp và ngắm mặt biển kéo từ chân trời này tới chân trời bên kia, và rồi hãy chuẩn bị để ... thất vọng. Toàn bộ Europa là đại dương, không có chỗ nào là bãi biển cả. Chỉ có đại dương, ở mọi nơi. Ánh nắng sẽ không lấp lánh trên mặt nước, và cũng không có sóng, vì đại dương của Europa bị vùi dưới hàng chục km băng bao phủ cả vệ tinh này.
Europa cũng bị khóa thủy triều giống như Mặt Trăng bị khóa với Trái Đất, có nghĩa là nếu như một ai đó đứng ở phía hướng về Sao Mộc, thì hành tinh này sẽ luôn ở đó, không bao giờ lặn. Khí quyển của Europa cực mỏng và nhiệt độ thì ở mức từ -134 đến -223 độ. Một bộ quần áo du hành có thể giải quyết vấn đề nhiệt độ và áp suất, nhưng không thể bảo vệ bạn khỏi các hạt bị bắt lại do từ trường của Sao Mộc. Bức xạ đó có thể làm phân tách phân tử và ion hóa các nguyên tử, do đó làm tổn thương hoặc phá hủy tế bào của con người.
9. Những đám mây đến và đi
Trong số hơn 4.000 ngoại hành tinh đã được phát hiện ở ngoài Hệ Mặt Trời cho tới nay, không có bất cứ nơi nào có thể hỗ trợ sự sống như trên Trái Đất - thậm chí một số nơi trong số đó thực sự là những cơn ác mộng. Chẳng hạn, hành tinh Kepler-7b là một hành tinh khí khổng lồ với mật độ loãng như một miếng bọt. Điều đó nghĩa là nó thậm chí có thể nổi trên nước (giống như Sao Thổ). Nó được gọi là một "Sao Mộc nóng" - một hành tinh khí khổng lồ ở rất gần sao mẹ của nó. Nó di chuyển nhanh đến mức một năm của nó (tức thời gian để nó đi hết một vòng quỹ đạo) chỉ kéo dài 5 ngày Trái Đất. Một mặt của nó luôn hướng về sao mẹ, giống như một mặt của Mặt Trăng luôn hướng về Trái Đất.
Điều đó có nghĩa là một mặt của hành tinh này luôn được chiếu sáng và rất nóng, trong khi ở mặt còn lại thì đêm tối không bao giờ chấm dứt. Nếu bạn không thích những đám mây trên Trái Đất, hãy đừng quên rằng ở Kepler-7b, một mặt luôn có những đám mây rất dày không bao giờ dịch chuyển. Những đám mây đó thậm chí còn là đá và sắt bay hơi chứ không phải nước. Cuối cùng, với nhiệt độ ở mặt ban ngày lên tới 1.356 độ C, đây thực sự không phải một nơi nên ghé thăm. Thật tuyệt vời khi tìm hiểu về sự khác biệt của các ngoại hành tinh so với Trái Đất, nhưng chúng ta nên vui mừng vì không sống ở Kepler-7b.
Bryan
Theo Space Daily