Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra một ngoại hành tinh kỳ lạ có mưa sắt ở mặt ban đêm. Tuy nhiên mặt ban ngày của hành tinh có tên là WASP-76 b này cũng không kém phần địa ngục. Nhiệt độ có thể đạt tới 4.300 độ F (2.400 độ C) - đủ nóng để làm bay hơi kim loại.
Nhà thiên văn học của Đại học Geneva là David Ehrenreich, người đứng đầu nghiên cứu mới, cho biết trong một thông cáo báo chí: “Bạn có thể nói rằng hành tinh này có mưa buổi tối, ngoại trừ việc đó là mưa sắt”.
WASP-76 b nhỏ hơn một chút so với Sao Mộc và nằm cách Trái Đất 640 năm ánh sáng, trong chòm sao Pisces. Thời tiết kinh hoàng của nó được gây ra bởi một quỹ đạo thực sự đặc biệt. Các hành tinh khí khổng lồ như WASP-76 b được gọi là Sao Mộc nóng vì chúng chuyển động quá gần với ngôi sao của chúng - trong trường hợp này là gần hơn 10 lần so với khoảng cách từ Sao Thủy tới Mặt Trời. Sự gần gũi đó khiến WASP-76 bị khóa chặt vào ngôi sao của nó, với một bên bị thiêu đốt vĩnh viễn trong ánh sáng và bên còn lại thì mắc kẹt trong bóng tối vĩnh hằng.
Mặt ban ngày của WASP-76 b bị tấn công với lượng bức xạ gấp hàng nghìn lần so với lượng Trái Đất nhận được từ Mặt Trời. Và bức xạ thiêu đốt này làm bốc hơi sắt ở mặt ban ngày. Sau đó, gió sinh ra bởi sự chênh lệch nhiệt độ rõ rệt đẩy chúng quanh hành tinh đến mặt ban đêm. Ở đó, nhiệt độ lạnh hơn rất nhiều khiến cho sắt ngưng tụ thành giọt và rơi xuống như một cơn mưa kỳ lạ.
Đây là lần đầu tiên các nhà thiên văn học phát hiện ra loại chênh lệch hóa học giữa ngày và đêm này trên một Sao Mộc nóng như WASP-76 b. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hành tinh này qua kính thiên văn rất lớn (VLT) của ESO ở Chile. Cụ thể, phát hiện này đã được thực hiện nhờ vào một thiết bị có tên là ESPRESSO. Các nhà thiên văn học ban đầu dự định sử dụng công cụ này để nghiên cứu các hành tinh giống với Trái Đất xung quanh các ngôi sao như Mặt Trời. Tuy nhiên, họ cho rằng rằng kích thước khổng lồ của VLT sẽ là hoàn hảo để nghiên cứu bầu khí quyển của các ngoại hành tinh khác. Hóa ra họ đã đúng.
Phát hiện của họ về mưa sắt trên WASP-76 b được thực hiện trong các quan sát khoa học đầu tiên của ESPRESSO. Và điều đó có nghĩa là có nhiều thế giới kỳ quái hơn ngoài kia đang chờ được tiết lộ. Giáo sư Ehrenreich nói: “Những gì chúng ta có bây giờ là một cách hoàn toàn mới để theo dõi khí hậu của các ngoại hành tinh đặc biệt nhất”.
Minh Phương
Theo Astronomy