biggest blast

Các nhà khoa học nghiên cứu một cụm thiên hà ở rất xa đã phát hiện ta vụ nổ lớn nhất từng thấy trong vũ trụ kể từ sau Big Bang. Vụ nổ tới từ một lỗ đen siêu nặng ở trung tâm của một thiên hà cách chúng ta hàng trăm triệu năm ánh sáng.

Vụ nổ này lớn gấp 5 lần so với kỷ lục được ghi nhận trước đây.

Giáo sư Melanie Johnston-Hollitt ở Đại học Curtin thuộc Trunh tâm nghiên cứu Thiên văn vô tuyến Quốc tế cho biết đây là một vụ nổ mạnh một cách khác thường.

"Chúng tôi đã thấy nhiều vụ nổ ở trung tâm các thiên hà nhưng vụ này thực sự rất, rất mạnh," bà nói. "Và chúng tôi không biết tại sao nó lại lớn như vậy. Nhưng nó đã xảy ra một cách chậm chạp - giống như một vụ nổ được quay chậm diễn ra trong hàng trăm triệu năm."

Vụ nổ xảy ra trong cụm thiên hà Ophiuchus, cách Trái Đất khoảng 390 triệu năm ánh sáng.

Nó mạnh tới nỗi đã đục thủng một lỗ trong đám plasma siêu nóng bao quanh lỗ đen.

Tác giả chính của nghiên cứu là Tiến sĩ Simona Giacintucci ơt Phòng thí nghiệm nghiên cứu hải quân Mỹ cho biết vụ nổ này tương tự như vụ phun trào cua núi lửa St. Helens năm 1980, đủ mạnh để xé toạc chính đỉnh núi.

"Điểm khác biệt là bạn có thể đặt cho 15 thiên hà Milky Way xếp hàng trong lỗ thủng mà vụ nổ này đục ra trong khí nóng của cụm," bà nói.

Theo GS. Johnston-Hollitt, lỗ hổng trong plasma này đã được nhìn thấy trước đây qua các kính thiên văn tia X. Nhưng ban đầu các nhà khoa học đã bác bỏ ý tưởng rằng nó có thể là hệ quả của một vụ nổ lớn, bởi lẽ nó quá lớn.

"Mọi người hoài nghi vì kích thước của vụ nổ," bà nói. "Nhưng nó đúng là như thế. Vũ trụ là một nơi kỳ lạ."

Các nhà nghiên cứu nhận ra chính xác thứ mà họ phát hiện chỉ khi sử dụng các kính thiên văn vô tuyến để quan sát cụm thiên hà Ophiuchus.

Tiến sĩ Maxim Markevitch ở Trung tâm hàng không không gian Goddard của NASA, đồng tác giả của nghiên cứu nói: "Dữ liệu vô tuyến khớp với quan sát tia X như tay đặt vào găng. Đây là cơ sở chắc chắn cho chúng tôi biết rằng một vụ phun trào lớn chưa từng thấy đã xảy ra ở đây."

Khám phá này có được nhờ sử dụng 4 kính thiên văn: Đài quan sát Chandra X-ray của NASA, XMM-Newton của ESA, Tổ hợp Murchison Widefield (MWA) ở phía Tây Australia và Kính thiên văn vô tuyến khổng lồ quan sát bước sóng cỡ mét (GMRT) ở Ấn Độ.

GS. Johnston-Hollitt đã so sánh phát hiện này với việc tìm thấy một bộ xương khủng long.

"Nó hơi giống với khảo cổ học. Chúng tôi được trang bị công cụ để đào sâu hơn với các kính thiên văn vô tuyến tần số thấp và vì thế giờ đây chúng tôi có thể tìm thấy thêm nhiều vụ nổ như thế."

Phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu vũ trụ ở nhiều bước sóng khác nhau, Johnston-Hollitt nói.

Bryan
Theo Science Daily