distant galaxy

Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra một thiên hà lớn ở rất xa, khi mà nó đang ở thời điểm chỉ 1,5 tỷ năm sau Big Bang. Thiên hà này dường như đã ngừng tạo sao. Đây là thiên hà lớn có thời điểm dừng tạo sao sớm nhất từng được biết tới. Nó chỉ ra rằng các thiên hà lớn khác có lẽ cũng đã hoàn tất pha đầu tiên trong quá trình phát triển của mình ở thời điểm sớm như vậy trong lịch sử vũ trụ.

Các nhà nghiên cứu đứng đầu bởi Masayuki Tanaka pử Đài quan sát thiên văn quốc gia Nhật Bản đã thông báo về phát hiện này trên Astrophysical Journal Letters.

 

Dừng tạo sao

Các nhà thiên văn học đã nhận thấy rằng hầu hết thiên hà nặng trong vũ trụ lân cận ngày nay không hề tạo nhiều sao.

"Khi nào những thiên hà này dừng tạo sao là một trong những vấn đề nổi bật nhất trong lĩnh vực về sự hình thành và tiến hóa thiên hà," Tanaka cho biết.

Tanaka và nhóm của ông tìm kiếm những thiên hà lớn ở xa và đã dừng tạo sao, nhờ đó họ đã phát hiện ra một thiên hà đặc biệt ở thời điểm chỉ 1,5 tỷ năm sau Big Bang.

 

Phát triển theo giai đoạn

Phát hiện này cũng bổ sung thêm vào bức tranh của các nhà thiên văn học về sự phát triển và biến đổi của các thiên hà lớn theo thời gian.

Khi các nhà thiên văn nhìn sâu vào không gian, theo dõi các thiên hà ở thời điểm hàng tỷ năm trước, họ thấy rằng các thiên hà lớn có xu hướng đậm đặc và thu gọn. Nhưng các thiên hà lớn ở gần chúng ta ngày nay lại có phần rìa trải rộng ra, khiến chúng lớn hơn nhiều.

Việc này khiến các nhà thiên văn nghĩ rằng những thiên hà lớn này cần phải lớn lên theo hai giai đoạn. Đầu tiên, chúng cho ra đời nhiều sao ở trung tâm, tạo thành lõi đặc. Tiếp theo, chúng tích thêm ngày một nhiều sao ở vùng rìa nhờ sáp nhập với các thiên hà khác.

Việc tìm thấy thiên hà ở xa đã hoàn tất việc tạo sao chỉ ra rằng bước đầu tiên trong hai giai đoạn của sự phát triển thiên hà đã hoàn thành rất sớm, chỉ 1,5 tỷ năm sau Big Bang.

Bryan
Theo Astronomy