Milky Way

Một chùm năng lượng khổng lồ bùng phát và mở rộng ra từ rất gần lỗ đen siêu nặng ở trung tâm của thiên hà chúng ta mới cách đây khoảng 3,5 triệu năm, tạo ra một vụ nổ bức xạ theo hình nón về cả hai cực của thiên hà và phóng ra không gian phía ngoài.

Đó là phát hiện có được từ nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học đứng đầu bởi Giáo sư Joss Bland-Hawthorn ở ASTRO 3D (dịch dễ hiểu là Trung tâm cao cấp ARC chuyên về Vật lý thiên văn sử dụng công nghệ 3D để khảo sát và mô phỏng bầu trời) của Astralia.

Hiện tượng này được gọi là quầng lửa Seyfert, tạo ra hai nón bức xạ khổng lồ cắt ngang thiên hà Milky Way. Khởi đầu của nó là một vùng có bán kính nhỏ ở quanh lỗ đen siêu nặng, sau đó mở rộng ra tới mức được phóng ra phía ngoài thiên hà.

Quầng lửa này mạnh tới mức nó va chạm với "Dòng Magellan" - một dòng khí dài trải rộng ra từ hai thiên hà lùn lân cận có tên là Mây Magellan Lớn và Mây Magellan nhỏ. Dòng Magellan nằm cách Milky Way khoảng cách trung bình là 200.000 năm ánh sáng.

Theo nhóm nghiên cứu Australia-Mỹ, vụ nổ quá lớn để có thể là hệ quả của bất cứ thứ gì khác ngoài hoạt động hạt nhân liên quan tới lỗ đen siêu nặng mà các nhà khoa học gọi là Sagittarius A*, hay Sgr A*. Lỗ đen này có khối lượng lớn gấp Mặt Trời khoảng 4,2 triệu lần.

"Quầng lửa này hơi giống với chùm sáng của một ngọn hải đăng," Bland-Hawthorn nói. "Hãy tưởng tượng đang là bóng tối, và rồi ai đó bật một ngọn hải đăng lên trong một khoảng thời gian rất ngắn."

Sử dụng dữ liệu thu được từ kính thiên văn không gian Hubble, các nhà nghiên cứu đã tính toán rằng vụ nổ khổng lồ này xảy ra cách đây hơn 3 triệu năm.

Trong thang thời gian thiên hà, con số 3 triệu năm này là cực kỳ ngắn ngủi. Vào thời điểm đó, ở Trái Đất, vụ tiểu hành tinh va chạm và gây ra sự tuyệt chủng của loài khủng long đã diễn ra trước đó 63 triệu năm, còn những tổ tiên xa xưa của loài người thì đã xuất hiện ở châu Phi.

Theo các nhà nghiên cứu ước tính, vụ nổ này đã kéo dài khoảng 300.000 năm - một giai đoạn cực ngắn khi xét trên thang thời gian thiên hà.

Mặc dù các nhà khoa học cho rằng Sgr A* là nghi phạm chính của sự kiện này, nhưng vẫn còn rất nhiều việc cần làm để sáng tỏ hơn. Các lỗ đen tiến hóa như thế nào, ảnh hưởng ra sao tới các thiên hà, đó là những điều mà các nhà khoa học coi là "một vấn đề nổi bật trong vật lý thiên văn".

R.T
Theo Science Daily