Red quasar

Quasar là những lỗ đen siêu nặng đang tích cực ngấu nghiến vật chất từ thiên hà chứa chúng. Mặc dù các lỗ đen được biết đến là luôn hút vật chất vào, những vòng xoáy hỗn loạn của chúng cũng thường đẩy vật chất và bức xa năng lượng cao ra bên ngoài, cho phép quasar được quan sát từ khắp nơi trong vũ trụ. Chúng là một trong những vật thể sáng nhất mà các nhà thiên văn học đã biết.

Tuy nhiên, một quasar cho thể là một tin xấu đối với thiên hà chủ của nó. Để tạo ra sao, một thiên hà cần những vùng khí lạnh có thể kết tụ lại với nhau, chứ không phải khí bị đốt nóng dữ dội và bị nuốt sạch bởi một lỗ đen đang hoành hành.

Vì vậy các thiên hà chứa quasar được cho là đã đi đến điểm cuối của thời kì sinh sản và không còn khả năng tạo sao nữa. Nhưng Allison Kirkpatrick ở Đại học Kansas gần đây đã phát hiện ra rằng có một tập hợp các thiên hà chứa cả quasar và các vùng khí lạnh - điều đó có nghĩa chúng vẫn có thể có khả năng tạo ra sao mới ở tuổi già của mình.

Kirkpatrich đã trình bày những phát hiện của mình về những quasar lạnh này vào ngày 12 tháng 6 ở cuộc họp lần thứ 234 của Hiệp hội Thiên văn học Hoa kỳ tại St. Louis, một buổi họp mặt chuyên nghiệp của các nhà thiên văn học trên khắp thế giới.

Cuối đời vẫn hoạt động
Kirkpatrick đã xem xét dữ liệu từ Khảo sát Sloan - một khảo sát quy mô lớn về toàn bộ bầu trời ở các bước sóng khác nhau chọn ra tất cả quasar trong một khu vực cụ thể. Sau đó bà ghép những quasar này với những quasar được phát hiện bởi đài quan sát XMM-Newton ở dải tia X và Đài quan sát không gian Herschel ở dải hồng ngoại. Tia X là bức xa năng lượng cao và là điểm đánh dấu vị trí các lỗ đen đang hoạt động. Tia hồng ngoại, mặt khác, là một loại bức xạ năng lượng thấp hơn được thoát ra từ khí và bụi phát sáng.

Thông thường các quasar được tìm thấy nằm trong một đám mây bụi và khí - các nhà nghiên cứu cho rằng đây là một giai đoạn trung gian khi quasar đã bắt đầu hoạt động nhưng vẫn chưa có đủ thời gian để thổi bay bụi và khí quanh nó. Tuy nhiên, do các quasar này được bao quanh bởi những vật chất hấp thụ năng lượng từ chính quasar đó, chúng thường xuất hiện dưới dạng các vật thể màu đỏ và bị che khuất.

Thứ mà Kirkpatrick tìm thấy là các quasar sáng màu xanh, chắc chắn có chứa khí lạnh. Điều này ngụ ý rằng các quasar đã thổi bay khí và bụi quanh chúng ra khỏi thiên hà nhưng chưa phải hoàn toàn.

Kirkpatrick đưa ra giả thuyết rằng đây là một pha trung gian khác, thậm chí còn ngắn hơn pha màu đỏ, bị che khuất. Việc giai đoạn này chỉ kéo dài khoảng 10 triệu năm - như một chớp mắt trong vòng đời của một thiên hà - có thể lý do những quasar lạnh này có vẻ hiếm. Nhưng Kirkpatrick vẫn chưa chắc chắn đây có phải giai đoạn mà phần lớn hoặc tất cả thiên hà sẽ trải qua hay chỉ có một số thiên hà nhất định mới xuất hiện dưới dạng các quasar lạnh.

Để xác minh được điều đó, bà phải thực hiện một nghiên cứu thậm chí rộng hơn, phát hiện nhiều hơn nữa những quasar mới này. Có lẽ sớm thôi, chúng ta sẽ có câu trả lời.

Thu Trang
Theo Astronomy