Ultima Thule

Sau khi New Horizons đi qua Pluto vào năm 2015, nhiệm vụ chính của nó đã kết thúc. Tuy vậy, nó vẫn còn nhiều việc để làm. Vào đúng ngày đón năm mới của năm 2019 này, nó đã bay ngang qua một vật thể xa hơn Pluto có tên là 2014 MU69, thường được biết tới với một tên khác nữa là Ultima Thule. Kể từ đó, tàu không gian này đã liên tục gửi thông tin về cho các nhà khoa học, vượt qua khoảng không rộng lớn đang ngày một rộng thêm giữa nó và Trái Đất.

Từ dữ liệu đó, các nhà khoa học giờ đây biết rằng tảng đá không gian có hình dạng như người tuyết này đã hình thành từ một va chạm nhẹ giữa hai thiên thể là Ultima và Thule. Về cơ bản, Ultima Thule dường như có một quá khứ yên bình, với những dao động nhỏ trên bề mặt, nhờ đó các nhà thiên văn có thể loại trừ khả năng của những va chạm mạnh hơn - vì nếu có va chạm mạnh, hình dạng của nó sẽ phải phức tạp với nhiều dấu vết của va chạm hơn thế. Phát hiện này cùng nhiều chi tiết khác đã được công bố mới đây trên tạp chí Science bởi nhóm nghiên cứu do Alan Stern ở Viện nghiên cứu Tây Nam (Texas, Mỹ).

Lịch sử bình lặng của Ultima Thule khá khớp với những quan sát khác gần đây. Có rất nhiều dữ liệu về những vật thể như vậy được các tàu không gian gửi về. Vị trí quỹ đạo của chúng cho phép các nhà thiên văn biết được nhiều điều về lịch sử của chúng.

Với những vật thể nằm trong vành đai tiểu hành tinh hoặc bất cứ nơi nào khác ở khoảng giữa Hệ Mặt Trời, lịch sử va chạm dữ dội là rất phổ biến. Khi tới gần Mặt Trời, những vật thể này di chuyển nhanh hơn, và vì thế va chạm mạnh hơn. Chúng thường vỡ ra thành những mảnh nhỏ khi va chạm thay vì kết hợp lại, và nhiều vật thể đang được nghiên cứu hiện nay cho thấy có dấu hiệu của việc chúng từng là một phần của những vật thể lớn hơn. Ngay lúc này, những vật thể như vậy cũng có nhiều hoạt động hơn do chúng được phơi trực tiếp ở khoảng cách gần hơn với Mặt Trời, dẫn tới nhiều hoạt động đáng ngạc nhiên trên bề mặt.

Tuy nhiên, với những vật thể ở vành đai Kuiper quanh Pluto hoặc xa hơn, các nhà thiên văn tìm thấy bằng chứng về quá trình tồn tại yên bình hơn. Vì những vật thể này cách Mặt Trời rất xa nên vận tốc quỹ đạo của chúng thấp hơn. Đồng thời, bản thân Hệ Mặt Trời cũng đỡ đông đúc hơn ở khu vực phía ngoài. Vì vậy, các va chạm ở khu vực này ít xảy ra hơn, và nếu có thì ở tốc độ thấp hơn, vì thế ít có những mảnh vụn nhỏ do va chạm hơn. Pluto đã cho thấy điều đó khi New Horizons quan sát thấy nó có một bề mặt rất ít dấu vết va chạm, và giờ đây Ultima Thule cho thấy điều tương tự.

Mặc dù những bức ảnh đầu tiên mà New Horizons gửi về cho thấy nhứng vùng có đặc điểm riêng biệt trên bề mặt của Ultima Thule, nhưng việc điều tra chi tiết hơn cho thấy không có nhiều dao động về màu sắc và thành phần, một lần nữa chỉ ra lịch sử ít va chạm và biến đổi gần đây. New Horizons cũng không tìm thấy dấu hiệu của bụi, vệ tinh hay vành đai quanh Ultima Thule - một dấu hiệu khác chứng minh rằng nó hoàn toàn cô độc trong hầu hết lịch sử của mình.

Ultima Thule đã mang tới một ngạc nhiên lớn. Thay vì có hình dạng hoàn toàn tròn trịa của một người tuyết, hai phần của nó đều có vùng phẳng, giống như hai chiếc bánh đặt sát nhau trong chảo và cùng nở to ra. Vì hầu hết những tảng đá không gian đều có dạng cầu (ít nhất là gần như vậy), hình dạng này của Ultima Thule khiến các nhà thiên văn học phải suy nghĩ. Tới nay, vẫn chưa rõ nguyên nhân của sự bằng phẳng này.

Các nhà thiên văn học thường coi các tiểu hành tinh là những khối kết cấu xây dựng nên Hệ Mặt Trời vì chúng trải qua ít thay đổi hơn so với vật chất đã tham gia vào sự tạo thành các thiên thể lớn như các hành tinh và các vệ tinh có nhiều hoạt động hơn. Phần còn lại trong dữ liệu của New Horizons sẽ được download hết về Trái Đất vào năm sau, khi mà các nhà thiên văn học khám phá nốt những bí mật của Ultima Thule. Với những nhà nghiên cứu đang tìm kiếm một tảng đá không gian nguyên sơ thì Ultima Thule chính là một mục tiêu phù hợp.

R.T
Theo Astronomy