flare

Ngày 13 tháng 8 năm 2017, kính thiên văn NGTS (viết tắt của "Next Generation Transit Survey" - Khảo sát sự quá cảnh thế hệ tiếp theo) đã phát hiện một quầng lửa lớn từ một sao nhỏ - nhỏ tới mức chỉ lớn hơn một chút so với Sao Mộc. Nhưng mặc dù nhỏ như vậy, quầng lửa bùng phát từ ngôi sao này giải phóng một năng lượng tương đương với 80 triệu tỷ tấn TNT, lớn gấp 10 lần quầng lửa lớn nhất từng được quan sát ở Mặt Trời. Nó cũng là ngôi sao lạnh nhất từng được quan sát có quầng lửa nóng như vậy, điều đó cho các nhà thiên văn học biết thêm về sức mạnh của những ngôi sao nhỏ.

Ngôi sao nhỏ này có cái tên khá dài là ULAS J224940.13-011236.9, nằm cách Trái Đất 250 năm ánh sáng. Thực tế, nó là một sao lùn loại L, tức là chỉ vừa đủ điều kiện để trở thành một ngôi sao.

"Khối lượng nhỏ hơn một chút thôi là nó sẽ là một sao lùn nâu," James Jackman - tác giả chính của phát hiện - nói trong một thông cáo báo chí. Sao lùn nâu là những thiên thể dưới cấp sao (dù trong tiếng Việt chúng ta vẫn gọi nó là "sao"). Nó quá lớn để gọi là hành tinh, nhưng quá nhỏ để có được phản ứng nhiệt hạch trong lõi như các sao. Hầu hết các kính thiên văn, trong đó có NGTS, không thể nhìn thấy ánh sáng mờ nhạt của ULAS J224940.13-011236.9 trong những lúc thông thường. Nhưng quầng lửa xuất hiện đã làm nó sáng lên gấp 10.000 lần độ sáng ban đầu. Jackman và nhóm của ông đã công bố phát hiện này ngày 17 tháng 4 vừa qua trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society Letters (Các báo cáo hàng tháng của Hội thiên văn học Hoàng gia).

Vì các quầng lửa chỉ kéo dài vài phút (riêng vụ này thì dài 9,5 phút), việc phát hiện thấy nó đòi hỏi may mắn, hoặc là cần một thiết bị đặc biệt như NGTS - được thiết kế để quan sát một vùng rộng của bầu trời một cách nhanh chóng và phát hiện ra những hiện tượng như vậy.

 

Một quầng lửa lớn ở Mặt Trời được chụp năm 2014 bởi Đài quan sát động lực học Mặt Trời (SDO) của NASA.

 

Các nhà thiên văn học đã khảo sát các quầng lửa lớn ở các sao nhỏ trước đây, nhưng chúng rất hiếm. Về cơ bản, các sao nhỏ như thế này có ít quầng lửa hơn và các quầng lửa cũng thường nhỏ hơn những sao lùn lớn hơn. Hiện tượng vừa được quan sát mới là quầng lửa thứ hai từng được phát hiện trên bề mặt và đây mới là sao lùn loại L thứ sáu có quầng lửa được nhìn thấy, đồng thời quầng lửa này là lớn nhất trong tất cả những vụ như vậy từng được quan sát ở các sao siêu lạnh.

Cho tới ngay trước sự kiện này, các nhà thiên văn vẫn chưa chắc chắn về việc các sao nhỏ và lạnh liệu có đủ năng lượng ở sắc cầu hoặc các lớp ngoài để tạo nên những quầng lửa lớn như thế hay không. Phát hiện mới đã cho thấy ngay cả những sao rất nhỏ cũng có thể ra đòn rất mạnh mẽ.

Tuấn Phong
Theo Astronomy