Với kích thước chỉ khoảng 17 tới 20 mét, thiên thạch Chelyabinsk đã gây ra thiệt hại lớn và khiến nhiều người bị thương khi nó phát nổ trong khí quyển Trái Đất hồi tháng 2 năm 2013. Để ngăn chặn những va chạm tương tự, các nhà khoa học dự định sử dụng một cách đơn giản nhưng khéo léo để xác định những vật thể nhỏ gần Trái Đất.
Những vật thể gần Trái Đất được viết tắt là NEO (near-Earth object). Phương pháp mới để xác định các vật thể này khi chúng hướng về phía Trái Đất được đưa ra bởi nhóm nghiên cứu do Amy Mainzer ở Phòng thí nghiệm phản lực của NASA đặt tại Pasadena - California đứng đầu.
"Nếu chúng ta phát hiện một vật thể chỉ vài ngày trước va chạm, các lựa chọn sẽ rất hạn chế. Vì vậy trong nỗ lực tìm kiếm của mình, chúng tôi tập trung vào việc tìm kiếm các NEO khi chúng còn ở xa Trái Đất, cung cấp tối đa thời gian và mở rộng các khả năng," Mainzer nói.
Nhưng đó là một bài toán khó, theo Mainzer thì nó giống như tìm một cục than trên bầu trời đêm.
"Các NEO rất mờ bởi chúng hầu hết rất nhỏ và ở xa chúng ta," Mainzer nói. "Thêm vào đó là một số trong đó tối đen, việc cố gắng phát hiện chúng giữa màu đen của không gian là rất khó."
Thay vì sử dụng ánh sáng biểu kiến để phát hiện các vật thể đang tiến tới, nhóm của Mainzer đã tận dụng một dấu hiệu đặc trưng khác của các NEO, đó là nhiệt của chúng. Các tiểu hành tinh và sao chổi được làm nóng bởi Mặt Trời và do đó chúng phát ra bức xạ nhiệt (hồng ngoại), khiến chúng dễ được phát hiện hơn bởi kính thiên văn của NEOWISE (viết tắt của vệ tinh khảo sát các NEO trường rộng ở dải hồng ngoại của NASA).
Khám phá các đặc tính bề mặt của NEO cũng cấp cho Mainzer và các đồng nghiệp một cái nhìn vào kích thước của các vật thể và thành phần cấu tạo nên chúng, cả hai yếu tố này đều rất quan trọng trong việc phòng thủ trước các NEO có thể đe dọa Trái Đất.
Chẳng hạn, một chiến lược phòng thủ là "đẩy" một NEO đang lao tới ra khỏi quỹ đạo va chạm với Trái Đất. Nhưng để tính được năng lượng cần thiết cho việc đó thì chi tiết về khối lượng - và do đó cần tới kích thước và thành phần - của NEO là rất cần thiết.
Các nhà thiên văn học cũng cho rằng việc kiểm tra thành phần của các tiểu hành tinh sẽ hỗ trợ việc hiểu rõ hơn về sự hình thành của Hệ Mặt Trời.
"Những vật thể này thực sự thú vị bởi một số chúng được cho rằng đã già như những vật liệu tạo nên Hệ Mặt Trời," Mainzer nói. "Một trong những điều chúng tôi đã tìm ra là các NEO khá đa dạng về thành phần."
Mainzer hiện rất muốn tận dụng những tiến bộ trong công nghệ chụp ảnh để phục vụ việc tìm kiếm các NEO. "Chúng tôi đang đề nghị NASA một kính thiên văn mới, NEOCam, để thực hiện công việc toàn diện hơn nhiều về lập bản đồ vị trí các tiểu hành tinh và đo kích thước của chúng."
NASA không phải cơ quan không gian duy nhất đang cố gắng tìm hiểu các NEO. Chẳng hạn, vệ tinh Hayabusa 2 của cơ quan không gian Nhật Bản (JAXA) có dự định lấy mẫu các tiểu hành tinh. Trong phần trình bày của mình, Mainzer sẽ giải thích cách thức mà NASA làm việc với cộng đồng khoa học thế giới trong một nỗ lực quốc tế để phòng thủ hành tinh trước va chạm của các NEO.
R.T
Theo Science Daily