Hình ảnh đầu tiên về lỗ đen mà kính thiên văn Event Horizon sắp công bố sẽ là một bức ảnh đặc biệt chưa từng có trước đây.
(Chú thích: Hình ảnh phía trên chỉ là minh họa được dựng trên máy tính)
Tất nhiên, bạn không thể thưc sự chụp ảnh lỗ đen. Nhưng các nhà thiên văn học sẽ làm điều tốt nhất có thể, đó là chụp ảnh khu vực hỗn loạn ngay phía ngoài lỗ đen, rìa của chân trời sự kiện (event horizon). Để chụp ảnh được khu vực này, các nhà thiên văn phải liên kết các kính thiên văn từ khắp thế giới và hướng chúng về lỗ đen lớn nhất, gần nhất được biết tới: Sagittarius A* - lỗ đen siêu nặng nằm ở trung tâm thiên hà Milky Way của chúng ta, cũng như lỗ đen còn lớn hơn thế nữa ở trung tâm của thiên hà M87 ở khá gần.
Kết quả của việc liên kết các kính như trên là sự ra đời của kính Event Horizon (EHT) và cuộc quan sát lớn của nó vào tháng 4 năm 2017. Các nhà thiên văn nhấn mạnh rằng cần có nhiều thời gian để xử lý dữ liệu thu được. Đã nhiều lần, họ cho biết rằng đã sắp có kết quả chỉ để dự án có thể được tiếp tục. Nhưng mới đây, với việc công bố họp báo vào ngày 10 tháng 4 này, có vẻ như thời điểm đó đã tới và chúng ta sắp được ngắm bức ảnh đầu tiên về chân trời sự kiện của lỗ đen.
EHT thực ra không phải một kính thiên văn mà là một nhóm gồm nhiều kính cùng hoạt động dưới dạng giao thoa. Việc này khiến các kính được kết nối tạo ra hiệu quả giống như đó là một kính duy nhất có khả năng phủ khắp thế giới. Tất nhiên, vẫn có những khe hở giữa các đài quan sát riêng biệt và mỗi kính lại có cách thức hoạt động khác nhau đôi chút, cũng như việc phải làm việc ở những điều kiện thời tiết khác nhau, quan sát lỗ đen bằng những cách khác nhau, dù vậy chúng vẫn kết hợp rất tốt để có được hình ảnh chính xác. Cái khó nhất chính là việc tìm ra cách để liên kết các hình ảnh riêng biệt thu được, và đó là lý do mà nhóm nghiên cứu cần thời gian từ năm 2017 tới tận bây giờ để có thể giới thiệu hình ảnh mình có được.
Sự hợp tác của nhóm nghiên cứu cuối cùng mang lại kết quả. Khi đứng độc lập, các kính thiên văn tham gia dự án đều ở đẳng cấp thế giới. Kết hợp cùng nhau, họ có được khả năng quan sát mạnh đến nỗi đủ để một người đứng ở thành phố New York có thể đọc được chữ trên một đồng xu ở Los Angeles (cách xa khoảng 4000 km) - điều mà không có bất cứ một kính thiên văn nào hiện nay có thể làm một cách độc lập.
Tới nay còn chưa rõ lỗ đen nào sẽ được công bố hình ảnh tới đây. Thậm chí việc đã có một kỳ tích nào đó cũng chưa phải là chắc chắn. Nhưng sau thời gian chờ đợi như vậy, các hình ảnh được đưa ra chắc chắn sẽ tuyệt đẹp. Quỹ khoa học quốc gia Mỹ - nơi đã tham gia tài trợ cho EHT - sẽ tổ chức buổi họp báo này. Do tính chất toàn cầu của dự án, ngoài ở Mỹ, các cuộc họp báo khác cũng sẽ được tổ chức tại Brussels, Santiago, Thượng Hải, Đài Bắc và Tokyo, nêu bật vai trò của sự hợp tác và các nguồn lực to lớn trong việc thực hiện dự án.
R.T
Theo Astronomy