HD 106906

Những quan sát mới về một ngoại hành tinh ở xa cùng hệ của nó mang lại bằng chứng cho một lý thuyết thiên văn đã được đề xuất từ lâu: các sao đi ngang qua có thể gây nhiễu loạn các hệ hành tinh và thay đổi quỹ đạo của các hành tinh - theo hướng tốt hơn hoặc xấu hơn. Tùy thuộc vào cách mà chúng bay qua, các sao có thể có thể đẩy một hành tinh nào đó vào quỹ đạo ổn định hơn hoặc hất văng nó ra hoàn toàn khỏi hệ của nó. Một bằng chứng mới cho thấy những cuộc chạm trán kiểu này có thể giải thích đường đi của những vật thể kỳ lạ trong Hệ Mặt Trời chúng ta như Oumuamua hay Hành tinh thứ Chín.

Di chuyển một hành tinh
Hai nhà thiên văn học là Paul Kalas và Robert De Rosa đã sử dụng các quan sát được thực hiện bởi tàu không gian Gaia để nghiên cứu cách mà một vụ bay ngang qua của một ngôi sao ảnh hưởng tới một hệ ngoại hành tinh cách Trái Đất 300 năm ánh sáng có tên là HD 106906. Hệ này có một cặp sao ở trung tâm và một hành tinh lớn có khối lượng gấp 11 lần Sao Mộc chuyển động quanh chúng. Quỹ đạo của hành tinh này rất đáng chú ý: nó có độ dẹt rất cao. Điều đó có nghĩa là đôi khi nó tới rất gần hai ngôi sao và sau đó lại dịch chuyển ra xa tới 700 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời. Khi các nhà khoa học chú ý tới thế giới kỳ lạ này, họ nghi ngờ việc nó đã có quĩ đạo kỳ lạ như vậy từ khi ra đời.

 
Vậy làm thế nào nó có quỹ đạo đó?

Trong kết quả được đăng tuần trước trên Astronomical Journal, nhóm nghiên cứu gợi ý rằng hành tinh này thực tế được hình thành ở gần hơn và có quỹ đạo tròn hơn. Đó là cách mà hầu hết các hành tinh hình thành quanh ngôi sao của chúng. Nhưng theo thời gian, những cú kích lặp đi lặp lại từ cặp sao của chính nó có thể đã đẩy nó ra quỹ đạo dẹt như thế. Đủ số lần như vậy, hành tinh sẽ bị đẩy hoàn toàn khỏi hệ. Các nhà thiên văn cho rằng những vật thể như tiểu hành tinh Oumuamua tới từ ngoài Hệ Mặt Trời đã được tạo ra theo cách đó, nó đã trải qua nhiều cú kích khi chạm trán nhiều lần với một hành tinh lớn.

Nhưng ngoại hành tinh nêu trên không bị đẩy ra hoàn toàn. Thay vào đó, một thứ gì đó đã ổn định quỹ đạo của nó, kéo cho nó đủ xa khỏi sao mẹ để tránh việc bị đẩy ra ngoài. Kalas và De Rosa đã quan sát 461 ngôi sao khác ở gần hệ này và thấy rằng có một, hay đúng hơn là hai sao trong một hệ kép khác có thể đã tới đủ gần hệ mà họ đang theo nghiên cứu.

Cặp sao này đã tới gần hệ nêu trên cách đây 2 tới 3 triệu năm, và thứ gì đó đã ngăn việc hành tinh của hệ tiếp tục đi xa khỏi sao mẹ của nó, thay vào đó nó đi vào quĩ đạo như ngày nay được quan sát.

 
Gợi ý cho Hành tinh thứ Chín

Kalas cho biết một việc tương tự có lẽ đã xảy ra với Hệ Mặt Trời của chúng ta và Hành tinh thứ Chín.

"Nếu nó có tồn tại," Kalas nói, "nó là một hành tinh xa xôi không bao giờ tới gần phần còn lại của hệ hành tinh chúng ta."

Nhưng các nhà thiên văn học cho rằng hầu hết các hành tinh hình thành ở gần sao mẹ của chúng hơn nhiều. Điều đó có nghĩa là một lực nào đó đã đẩy hành tinh này ra xa như vậy.

"Sao Mộc có thể đẩy nhiều thứ ra rất xa," Kalas nói. "Nhưng những vật thể đó lại quay về nơi chúng xuất phát và lại tương tác với Sao Mộc. Nếu bạn làm việc đó 10 đến 100 lần, cuối cùng Sao Mộc sẽ đá bay nó ra không gian liên sao. Hành tinh thứ Chín vẫn liên kết với Mặt Trời. Cách duy nhất để tách nó ra khỏi những vụ chạm trán lặp đi lặp lại với Sao Mộc là một lực nào đó từ phía ngoài đã cho nó thêm một cú kích nữa để nó di chuyển ra xa hơn khỏi Mặt Trời."

Cú kích đó cần tới từ một vật thể nặng khác - chẳng hạn một sao đi ngang qua. Các nhà thiên văn hoc thậm chí đã tìm thấy bằng chứng về các sao đã đi ngang qua rìa ngoài của Hệ Mặt Trời, chẳng hạn như sao Scholz đã bay qua cách đây 70.000 năm.

Các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy ngôi sao đã tác động vào Hành tinh thứ Chín - nhất là khi mà họ vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn việc hành tinh này có thật sự tồn tại không và liệu nó đang ở đâu. Nhưng Kalas nhấn mạnh rằng với nghiên cứu của ông, giờ đây họ đã có bằng chứng rằng những ngôi sao này gây ảnh hưởng tới các hệ hành tinh mà chúng đi ngang qua.

R.T
Theo Astronomy