Hippocamp

Một vệ tinh mới của Sao Hải Vương đã được phát hiện. Với đường kính chỉ hơn 30 km, đây là vệ tinh nhỏ nhất của hành tinh khí khổng lồ này đã được biết cho tới nay. Thiên thể này được đặt tên là Hippocamp.

Các nhà thiên văn học do Mark Showalter ở Viện SETI đứng đầu đã khám phá ra vệ tinh mới nhờ sử dụng kính thiên văn không gian Hubble kết hợp với một phương pháp the dõi các vật thể mờ và nhỏ khi chúng chuyển động trên quỹ đạo.

Vì thiên thể này rất nhỏ, rất nhiều nhà thiên văn vẫn chưa biết tới nó. Nó được đặt tên theo Hippocamp (hay Hippocampus) - một con quái vật biển có mình ngựa và đuôi cá trong thần thoại Hy Lạp - một cái tên phù hợp với chủ đề đại dương của Sao Hải Vương. (Mặc dù nghe thoáng qua nó có vẻ giống với "trại hà mã"/hippo-camp.)

 

Hippocamp là một mảnh của một khối lớn hơn

Thiên thể này có quỹ đạo rất gần với một vệ tinh lớn hơn của Sao Hải Vương là Proteus. Việc này cùng với kích thước nhỏ của nó khiến các nhà thiên văn cho rằng nó có thể là một mảnh của một vệ tinh lớn hơn. Trên thực tế, khoảng 4 tỷ năm trước, một tiểu hành tinh đã va chạm với Proteus, để lại một miệng hố bao phủ phần lớn về mặt của nó. Nếu Hippocamp là sản phẩm của cú va chạm đó - như Showalter suy đoán - thì nó chỉ là một mảnh nhỏ trong số các mảnh vỡ, chiếm khoảng 2% tổng khối lượng đã được xới lên khỏi Proteus trong cú va chạm.

Dù vệ tinh này có tới từ cú va chạm đó hay không, các nhà khoa học cho rằng Proteus và Hippocamp có chung quá khứ. Cũng như Mặt Trăng của Trái Đất, Proteus đang dịch chuyển dần ra xa khỏi Sao Hải Vương do các lực triều. Hippocamp thì nhỏ hơn nhiều nên không bị ảnh hưởng đáng kể bởi các lực đó, và như vậy nó đang ở quỹ đạo mà trước đây từng là nơi của Proteus.

 

Hippocamp có kích thước rất nhỏ so với Proteus và các vệ tinh khác của Sao Hải Vương.

 

Hippocamp có thể đã có một quá khứ không hề bình lặng. Với số lượng các mảnh vụn ở khu vực đó của Hệ Mặt Trời, Showalter ước tính rằng một thiên thể có kích thước của Hippocamp đã gặp phải va chạm lớn khoảng 9 lần trong 4 tỷ năm qua, mỗi cú va chạm đó đều làm nó bị vỡ và được định hình lại. Showalter nhấn mạnh: "Đó là tính trung bình. Có thể là có 6 hoặc cũng có thể là 20 lần va chạm."

Vệ tinh này quá nhỏ và mờ để có thể nhìn thấy được trong hầu hết các hình ảnh về hệ Sao Hải Vương. Các nhà thiên văn đã phải ước đoán di chuyển của nó dựa trên các định luật chuyển động Newton. Bằng cách di chuyển và sắp xếp các hình ảnh theo vị trí mà họ nghĩ rằng nó ở đó, các nhà thiên văn học có thể tăng thời gian phơi sáng nhân tạo để làm sáng lên ngay cả những điểm mờ nhất. Phương pháp mới này đã hé lộ về sự tồn tại của Hippocamp. Phát hiện đã được đăng ngày 20 tháng 2 vừa qua trên tạp chí Nature.

Các nhà thiên văn học hiện vẫn chưa biết Hippocamp cấu tạo từ những gì, nhưng họ cho rằng nó tương tự như vật chất tạo thành Proteus. Showalter cho biết tới nay không có bất cứ kính thiên văn nào có thể quan sát nó đủ rõ để nói thêm được điều gì.

"Cho tới khi ngày nào đó chúng ta gửi một vệ tinh tới Sao Hải Vương," ông nói. "Vậy nên chúng ta sẽ còn rất nhiều thời gian tới khi tới được gần nó."

Showalter cho biết kính Hubble - dù đã 30 tuổi - vẫn là một trong những kính thiên văn mạnh nhất cho các nhà thiên văn, và là thiết bị duy nhất có thể phát hiện được Hippocamp.

Tuấn Phong
Theo Astronomy