Kuiper Belt object

Lần đầu tiên, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra một vật thể có bán kính 1,3 km ở rìa của Hệ Mặt Trời. Những thiên thể cỡ một vài kilomet này đã được dự đoán từ hơn 70 năm trước, chúng là một bước quan trọng trong quá trình hình thành hành tinh, nằm giữa giai đoạn chuyển tiếp từ bụi và băng thành những hành tinh mà chúng ta thấy ngày nay.

Vành đai Kuiper là tập hợp của các thiên thể nhỏ ở xa hơn quỹ đạo của Sao Hải Vương. Thiên thể nổi tiếng nhất trong vành đai này là Pluto (tên gọi cũ trong tiếng Việt là Sao Diêm Vương). Các thiên thể thuộc vành đai này được cho là các tàn dư còn sót lại từ giai đoạn hình thành Hệ Mặt Trời. Trong khi các thiên thể nhỏ như các tiểu hành tinh ở vùng trong của Hệ Mặt Trời bị biến đổi đi nhiều do bức xạ từ Mặt Trời, các vụ va chạm và lực hấp dẫn của các hành tinh thì những thiên thể Kuiper lạnh và tối này vẫn bảo toàn những điều kiện nguyên sơ của Hệ Mặt Trời. Vì thế các nhà thiên văn học nghiên cứu chúng để tìm hiểu về khởi đầu của quá trình hình thành hành tinh.

Các thiên thể Kuiper có kích thước một hoặc vài kilomet đã được dự đoán rằng có tồn tại từ lâu, nhưng chúng quá xa, nhỏ và mờ nhạt để có thể thấy được trực tiếp, ngay cả với những kính thiên văn hàng đầu của thế giới. Vì thế, một nhóm nghiên cứu do Ko Arimatsu ở Đài quan sát thiên văn quốc gia Nhật Bản đã sử dụng một kỹ thuật gọi là "che khuất". Họ quan sát một lượng lớn các sao và tìm kiếm bóng của một thiên thể nào đó khi nó đi qua phía trước một ngôi sao (gần giống với phương pháp quá cảnh để tìm kiếm các ngoại hành tinh). Nhóm nghiên cứu đã đặt hai kính thiên văn nhỏ (đường kính 28 cm) trên nóc của trường Miyako ở đảo Miyako, Miyakojima-shi, Okinawa, Nhật Bản và theo dõi xấp xỉ 2000 ngôi sao trong tổng thời gian 60 giờ.

Phân tích dữ liệu thu được, nhóm nghiên cứu phát hiện ra một ngôi sao bị mờ đi khi nó bị che khuất bởi một thiên thể có bán kính 1,3 km thuộc vành đai Kuiper. Phát hiện này cho thấy những thiên thể cỡ này phổ biến hơn so với ước tính trước đây. Nó ủng hộ các mô hình mà trong đó các vi hành tinh ban đầu lớn lên từ từ thành các thiên thể cỡ một vài kilomet trước khi phát triển rất nhanh và sáp nhập thành các hành tinh.

Arimatsu giải thích: "Đây là thành công thực sự của các dự án nhỏ. Nhóm của chúng tôi có kinh phí chưa tới 0,3% so với các dự án lớn của quốc tế. Chúng tôi thậm chí không đủ tiền để xây một mái vòm thứ hai để bảo vệ chiếc kính thiên văn thứ hai của mình. Nhưng chúng tôi vẫn có được khám phá mà các dự án lớn không làm được. Giờ đây chúng tôi biết rằng hệ thống của mình hoạt động tốt, chúng tôi sẽ theo dõi vành đai Kuiper để có thêm nhiều chi tiết mới. Chũng tôi cũng đang nhìn vào Mây Oort ở xa hơn mà đến nay còn chưa được khám phá."

R.T
Theo Science Daily

 

Chú thích: Hình ảnh ở đầu bài viết chỉ mang tính minh họa. Không một kính thiên văn nào hiện nay có thể quan sát một thiên thể nhỏ như vậy rõ nét.