Barnard b

Barnard b (hay GJ 699 b) là một siêu-Trái Đất được phát hiện gần đây với quỹ đạo quanh một sao Barnard. Nó là hệ sao gần thứ hai tính từ Trái Đất. Mặc dù rất lạnh (khoảng -170 độ C), nó vẫn có thể có tiềm năng cho sự sống nguyên thủy nếu như có một lõi sắt/niken lớn, nóng và hoạt động địa nhiệt đủ mạnh.

Đó là kết luận được đưa ra bởi hai nhà vật lý thiên văn thuộc Đại học Villanova (Mỹ) là Edward Guinan và Scott Engle trong một họp báo tại hội nghị lần thứ 223 của Hiệp hội thiên văn học Hoa Kỳ (AAS) được tổ chức tại Seatle hôm mùng 10 tháng 1 vừa qua.

Công bố này dựa trên các phát hiện được nêu trong bài báo có tiêu đề "Bức xạ tia X, UV, quang học và tuổi của siêu Trái Đất mới của sao Barnard" mà tác giả là Guinan, Engle và Ignasi Ribas.

"Địa nhiệt có thể hỗ trợ những "vùng sự sống" bên dưới bề mặt của nó, gần giống như những hồ dưới bề mặt ở Nam Cực," Guinan nói. "Chúng tôi thấy rằng nhiệt độ bề mặt của Europa (một vệ tinh có bề mặt băng của Sao Mộc) tương tự như của Barnard b, nhưng bởi nhiệt thủy triều, Europa có đại dương lỏng phía dưới bề măt băng của nó."

Việc khám phá ra Barnard b đã được thông báo vào tháng 11 năm 2018 trên tạp chí Nature. Một nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi Ribas ở Viện nghiên cứu không gian Catalonia (IEEC) và Viện khoa học không gian (ICE, CSIC) với sự tham gia của Guinan và Engle, dựa trên việc phân tích dữ liệu quan sát 18 năm kết hợp với dữ liệu thu được mới đây.

Barnard b có khối lượng lớn gấp Trái Đất khoảng hơn 3 lần. Nó chuyển động quanh sao Barnard - một sao lùn đỏ - theo chu kỳ 233 ngày ở khoảng cách tương đương với quỹ đạo của Sao Thủy quanh Mặt Trời.

Guinan và Engle đã thu thập quang phổ với độ chính xác cao của sao Barnard (cùng hàng chục ngôi sao khác) trong 15 năm qua. Dữ liệu này cùng những quan sát khác đã được đưa vào một nghiên cứu toàn diện gần đây đứng đầu bởi Borja Toledo-Padron - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Vật lý thiên văn quần đảo Canary - Đại học La Laguna (Tây Ban Nha). Theo Guinan thì mặc dù rất mờ, Barnard b vẫn có thể được ghi hình trong tương lai bởi các kính thiên văn lớn.

"Những quan sát như vậy sẽ làm rõ hơn bản chất của khí quyển, bề mặt và tiềm năng sống được của hành tinh này," ông bổ sung.

"Sao Barnard đã xuất hiện trên radar của chúng tôi từ rất lâu," Guinan nói. "Năm 2003 nó trở thành ngôi sao có vai trò sáng lập trong chương trình "Sống cùng sao lùn đỏ" của Đại học Villanova được tài trợ bởi Quỹ khoa học quốc gia Hoa Kỳ và NASA".

"Khía cạnh đáng chú ý nhất của viêc khám phá ra Barnard b là tới nay chúng ta đã khẳng định được rằng hai hệ sao ở gần Mặt Trời nhất đều có hành tinh. Việc này hỗ trợ những nghiên cứu trước đây dựa trên dữ liệu của nhiệm vụ Kepler, cho thấy các hành tinh có thể rất phổ biến trong thiên hà, thậm chí con số có thể là hàng chục tỷ," Engle nhấn mạnh.

"Ngoài ra, sao Barnard cũng già khoảng gấp đôi Mặt Trời - khoảng 9 tỷ so với 4,6 tỷ năm của Mặt Trời. Vũ trụ đã tạo ra những hành tinh cỡ Trái Đất từ rất lâu trước khi chúng ta, hay thậm chí cả Mặt Trời, tồn tại."

R.T
Theo Space Daily

 

Chú thích của VACA: sao Barnard (Barnard's Star) là mọt sao lùn đỏ nằm cách Trái Đất 6 năm ánh sáng trong chòm sao Ophiuchus. Nó được đặt tên theo nhà thiên văn Edward Emerson Barnard (1857 - 1923) - người đầu tiên đo được chuyển động tương đối của ngôi sao này so với Mặt Trời với độ chính xác cao.