Các sao như Mặt Trời có thể biến thành pha lê trong những giai đoạn cuối cùng của chúng, việc này mang tới một ý nghĩa mới cho những viên ngọc lấp lánh của bầu trời này.
Các nhà thiên văn học ở Đại học Warwick (Anh) cho biết họ đã tìm ra bằng chứng trực tiếp đầu tiên về việc các sao lùn trắng - xác chết của những sao như Mặt Trời - có thể kết tinh, hoặc biến đổi từ dạng lỏng thành dạng rắn. Khám phá này vừa được công bố trên tạo chí Nature.
Từ lâu các nhà thiên văn học đã nghi ngờ rằng có thể có sự kết tinh này. Nhưng để tìm thấy bằng chứng trực tiếp, nhóm nghiên cứu đã dùng tới dữ liệu thu được từ vệ tinh Gaia của ESA và phân tích khoảng 15.000 sao lùn trắng có tiềm năng. Trong quá trình đó, họ phát hiện thấy nhiều sao lùn trắng có màu sắc và độ chói khớp với dự đoán về các sao lùn trắng kết tinh.
Khám phá này đứng đầu bởi nhà vật lý Pier-Emmanuel Tremblay, nó được công bố đúng 50 năm sau khi được dự đoán lần đầu tiên.
"Mọi sao lùn trắng đều sẽ kết tinh tại một điểm nào đó trong quá trình tiến hóa của chúng," Tremblay nói trong một thông cáo báo chí. "Điều đó có nghĩa là hàng tỷ sao lùn trắng trong thiên hà của chúng ta đã hoàn thành quá trình này và chúng là những quả cầu pha lê trên bầu trời. Bản thân Mặt Trời cũng sẽ trở thành một sao lùn trắng pha lê trong khoảng 10 tỷ năm nữa."
Sao lùn trắng là những sao rất đặc, theo các nhà khoa học thì các hạt nhân mang điện dương ở lõi của chúng tồn tại dưới dạng một dòng chảy. Nhưng khi các sao nguội đi, dòng chảy này đông cứng lại và tạo thành lõi kim loại. Và bởi vì các sao lùn trắng nằm trong số những thiên thể già nhất vũ trụ, với các giai đoạn sống có thể dự đoán được, các nhà thiên văn thường sử dụng chúng như những chiếc "đồng hồ" để xác định tuổi của các sao xung quanh. Do đó việc hiểu được quá trình kết tinh của các sao này có thể mang tới độ chính xác cao hơn trong việc xác định tuổi của các sao.
Vũ Quang
Theo Astronomy