ultima thule

Các nhà khoa học thuộc sứ mệnh New Horizons của NASA đã công bố những hình ảnh chi tiết đầu tiên về đối tượng xa nhất từng được khám phá – một thiên thể thuộc vành đai Kuiper có tên là Ultima Thule. Sự xuất hiện của nó, không giống bất cứ điều gì chúng ta thấy trước đây, làm rõ hơn quá trình hình thành các hành tinh từ 4,5 tỷ năm trước.

"Sự tiếp cận lần này là một thành tựu lịch sử", Alan Stern, nghiên cứu viên chính của New Horizons, thuộc Viện nghiên cứu Tây Nam ở Boulder, Colorado cho biết. "Trước đây chưa bao giờ có bất kỳ tàu vũ trụ nào theo dõi một đối tượng nhỏ bé khi di chuyển với tốc độ cao như vậy ở một nơi rất xa xôi trong không gian. New Horizons đã lập nên một cột mốc mới cho việc điều hướng các tàu vũ trụ tối tân."

Những hình ảnh mới – được chụp từ khoảng cách 27.000 km khi New Horizons tiếp cận - tiết lộ Ultima Thule là một thiên thể gồm hai khối dạng cầu được nối với nhau. Nó có chiều dài khoảng 31 km. Nhóm nghiên cứu đã đặt tên khối cầu lớn là "Ultima" (có đường kính 19km) và khối cầu nhỏ là "Thule" (có đường kính 14 km).

Nhóm nghiên cứu cho biết hai khối cầu có khả năng đã nhập vào nhau trong giai đoạn đầu - khoảng 1% thời gian đầu tiên trong lịch sử Hệ Mặt Trời, với tốc độ va chạm không nhanh hơn hai chiếc xe hơi.

"New Horizons giống như một cỗ máy thời gian, đưa chúng ta trở lại với sự ra đời của Hệ Mặt Trời. Chúng ta đang chứng kiến một đại diện thực sự của sự khởi đầu quá trình hình thành các hành tinh, đã bị đóng băng trong thời gian", Jeff Moore, dẫn đầu nhóm nghiên cứu Địa chất và Địa vật lý của New Horizons cho biết. "Nghiên cứu về Ultima Thule đang giúp chúng ta hiểu cách mà các hành tinh hình thành – không chỉ những hành tinh trong Hệ Mặt Trời mà còn những hành tinh chuyển động xung quanh các ngôi sao khác trong thiên hà của chúng ta."

Dữ liệu từ cuộc tiếp cận vào ngày đầu năm mới này sẽ được tiếp tục gửi về trong những tuần và tháng tiếp theo, với những hình ảnh có độ phân giải cao hơn nhiều.

"Trong những tháng tới, New Horizons sẽ truyền lượng lớn những bộ dữ liệu đến Trái Đất và chúng tôi sẽ tiếp tục viết các chương mới trong câu chuyện về Ultima Thule – và cả Hệ Mặt Trời", Helene Winters, Giám đốc Dự án New Horizons cho biết.

Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng của Đại học Johns Hopkins ở Laurel, Maryland đã thiết kế, chế tạo và vận hành tàu New Horizons, đồng thời quản lý nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo Sứ mệnh Khoa học của NASA. Viện nghiên cứu Tây Nam, có trụ sở tại San Antonio, lãnh đạo nhóm khoa học, vận hành các thiết bị và quản lý kế hoạch khoa học. New Horizons là một phần của Chương trình biên giới mới (New Frontiers Program) được quản lý bởi Trung tâm Không gian Marshall của NASA ở Huntsville, Alabama.

Gia Linh
Theo Science Daily