Farout

Một nhóm các nhà thiên văn học đầy tham vọng đã khám phá ra thiên thể xa nhất từng quan sát được trong Hệ Mặt Trời. Thiên thể này là một hành tinh lùn màu hồng có ký hiệu 2018 VG18 và được gọi là "Farout" (Far-out), nằm cách Mặt Trời gấp 100 lần so với Trái Đất.

Khám phá này được thực hiện bởi Scott S. Sheppard ở tổ chức khoa học Carnegie, David Tholen ở Đại học Hawaii và Chad Trujillo ở Đại học Bắc Arizona. Kết quả của họ đã được công bố hôm 17 tháng 12 bởi Trung tâm hành tinh nhỏ thuộc Tổ chức thiên văn học quốc tế (IAU).

Farout nằm cách chúng ta khoảng 120 AU - 1 AU (đơn vị thiên văn) là khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời. Đây là thiên thể đầu tiên trong Hệ Mặt Trời được phát hiện ở khoảng cách trên 100 AU. Farout ở xa hơn nhiều so với thiên thể xa nhất được xác định trước đó là hành tinh lùn Eris (96 AU). Đồng thời, nó cũng nằm cách xa gấp ba lần rưỡi so với hành tinh lùn nổi tiếng nhất: Pluto.

Không khó khăn gì để bạn hiểu được biệt danh mà các nhà khoa học đặt cho thiên thể này: Farout. Tuy nhiên, theo Sheppard thì cái tên đó có tới 2 ý nghĩa. Ngoài việc có ý rằng nó ở khoảng cách rất xa, Sheppard nói rằng khi lần đầu tiên nhìn thấy thiên thể này, ông đã hét lên rất to: "Far out!".

Nhóm nghiên cứu đã khám phá ra Farout nhờ sử dụng kính thiên văn Subaru 8 mét của Nhật Bản đặt tại Hawaii. Những hình ảnh đầu tiên về nó đã được chụp ngày 10/11/2018. Nó được quan sát lần thứ hai vào đầu tháng này bởi kính thiên văn Magellan ở Đài quan sát Las Campanas của Carnegie đặt ở Chile. Lần quan sát sau này cho phép nhóm nghiên cứu theo dõi đường đi của thiên thể trên bầu trời và xác định được độ sáng và màu sắc của nó.

Từ những quan sát đó, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng thiên thể này có đường kính khoảng 310 dặm (500 km), tức là khoảng 1/3 kích thước của Pluto. Nó cũng được xác định là có màu hồng nhạt do lượng băng lớn trên bề mặt.

 

Hành tinh X

Bản thân phát hiện này đã có ý nghĩa lớn, nhưng nó cũng đồng thời có thể ủng hộ ý tưởng về việc tìm kiếm "Hành tinh X" - một hành tinh lý thuyết mà chính nhóm nghiên cứu này đã đề xuất sau khi khám phá ra một thiên thể ở xa khác của Hệ Mặt Trời.

Farout và những thiên thể xa xôi khác dường như di chuyển hài hòa một cách kỳ lạ mà cách giải thích hợp lý nhất là sự tồn tại của một hành tinh lớn chưa được nhìn thấy ở xa hơn Sao Hải Vương. Nhưng sẽ mất ít nhất một năm nữa, hoặc hơn, để các nhà nghiên cứu hiểu đủ rõ về quỹ đạo của Farout và khẳng định xem liệu nó có thực sự mang lại bằng chứng cho sự tồn tại của Hành tinh X.

Trong khi đặt mục tiêu chính là Hành tinh X, nhòm nghiên cứu vẫn tiếp tục chú ý quan sát những thiên thể khác ở khu vực lân cận. Farout là một phần thưởng bất ngờ từ quá trình tìm kiếm. Một thiên thể khác là "The Goblin" đã được phát hiện hồi đầu năm nay bởi cùng nhóm nghiên cứu này.

Nghiên cứu xa hơn về vùng ngoài của hệ hành tinh cùng ta, cùng với việc khám phá thêm nhiều thiên thể như Farout sẽ tiếp tục hỗ trợ việc tìm kiếm Hành tinh X.

"Chúng tôi đã bắt đầu tìm kiếm bầu trời tối đa có thể," Sheppard nói. "Chúng tôi hi vọng tìm thấy thêm những thiên thể như thế trong tương lai."

Bryan
Theo Astronomy

 

Chú thích của VACA:

- Với kích thước của mình, Farout có thể được tạm gọi là một hành tinh lùn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc một thiên thể có thực sự được công nhận là hành tinh lùn hay không còn cần được kiểm duyệt và thừa nhận bởi IAU. Do đó, mặc dù đã có một số thiên thể khác tương tự, thậm chí lớn hơn Farout được xác định, nhưng Hệ Mặt Trời vẫn chỉ có 5 hành tinh lùn chính thức.

- Hình ảnh mà bạn thấy ở đầu bài viết chỉ là hình vẽ trên máy tính. Thực tế, không có bất cứ kính thiên văn nào có thể chụp được rõ nét một thiên thể nhỏ như thế ở khoảng cách đó.