Phenomena 2019

Mỗi năm, người yêu thích bầu trời đều có thể quan sát nhiều hiện tượng thiên văn đáng chú ý. Năm 2018, đã có hai lần nguyệt thực toàn phần được quan sát tại Việt Nam, và chắc chắn năm 2019 cũng có nhiều điều thú vị riêng của nó. Sau đây là danh sách những hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất có thể được quan sát tại Việt Nam trong năm 2019.

  • 03, 04 tháng 01: Mưa sao băng Quadrantids. Đây là trận mưa sao băng loại trung bình, gây ra bởi những mảnh vụn còn lại của sao chổi 2003 EH1. Nó được đặt tên theo chòm sao cổ Quadrans Muralis, hiện nay khu vực trung tâm của chòm sao này thuộc chòm sao Bootes. Khác với năm 2018, Quadrantids 2019 sẽ không bị ngăn cản bởi ánh Trăng, do đó ở những khu vực có điều kiện thời tiết thuận lợi, người yêu thiên văn sẽ có nhiều cơ hội quan sát nhiều sao băng của hiện tượng này.
  • 22 tháng 01: Giao hội của Sao Kim và Sao Mộc. Hai hành tinh sáng nhất của Hệ Mặt Trời sẽ nằm rất gần nhau trên bầu trời vào rạng sáng ngày 22 tháng 1. Nếu trời ít mấy, chỉ bằng mắt thường bạn cũng có thể nhận ra sự nổi bật của chúng trên bầu trời trước lúc Mặt Trời mọc. Tất nhiên, một chiếc ống nhòm hoặc kính thiên văn nhỏ sẽ là dụng cụ hỗ trợ tuyệt vời.
  • 22, 23 tháng 04: Mưa sao băng Lyrids. Mưa sao băng trung bình/dưới trung bình có vùng trung tâm là chòm sao Lyra. Rạng sáng 23/04 sẽ là thời điểm lý tưởng để bạn quan sát hiện tượng này. Tuy nhiên, Mặt Trăng sẽ là một cản trở lớn cho việc quan sát do sự iện xảy ra chỉ vài ngày sau ngày Trăng tròn, Mặt Trăng rất sáng và lặn muộn khiến bạn sẽ thấy Lyrids không được hấp dẫn như mong đợi.
  • 06, 07 tháng 05: Mưa sao băng Eta Aquarids. Đây là một mưa sao băng loại trên trung bình với cực điểm có thể đạt từ 30 đến 60 sao băng mỗi giờ. Trung tâm của hiện tượng này là chòm sao Aquarius - một chòm sao khá dễ để xác định nếu như bầu trời đủ trong. Xảy ra vào đầu tháng Âm lịch, Eta Aquarids sẽ là hiện tượng rất dễ quan sát nếu thời tiết ủng hộ.
  • 10 tháng 06: Sao Mộc tới vị trí trực đối. Hành tinh lớn nhất Hệ Mặt Trời này sẽ nằm ở vị trí trực đối so với Mặt Trời (Trái Đất nằm giữa), do đó nó sẽ đạt độ sáng cao nhất và là thời điểm lý tưởng nhất để quan sát từ Trái Đất. Với những người có kính thiên văn, đây là cơ hội tốt nhất trong năm để quan sát hành tinh này.
  • 09 tháng 07: Sao Thổ tới vị trí trực đối. Giống với Sao Mộc như nói trên, Sao Thổ vào thời điểm này sẽ ở vị trí lý tưởng nhất để được quan sát bằng mắt thường cũng như bằng kính thiên văn.
  • 17 tháng 07: Nguyệt thực một phần. Chúng ta sẽ quan sát được một pha ngắn của hiện tượng này vào rạng sáng ngày 17 tháng 7. Dù pha quan sát được không nhiều, chỉ ngay trước khi Mặt Trăng lặn xuống chân trời, chắc chắn nó vẫn là hiện tượng đáng chú ý đối với người yêu thiên văn.
  • 28, 29 tháng 07: Mưa sao băng Delta Aquarids. Đây là một trận mưa sao băng loại trung bình, cũng có trung tâm là chòm sao Aquarius. Năm nay, với việc cực điểm rơi vào cuối tuần Trăng, bạn sẽ có nhiều cơ hội theo dõi hiện tượng này.
  • 12, 13 tháng 08: Mưa sao băng Perseids. Một trong những trận mưa sao băng lớn nhất trong năm với mật độ cực điểm có thể lên tới trên 60 hoặc đạt tới 100 sao băng mỗi giờ. Thời điểm lý tưởng nhất để quan sát hiện tượng này là tối 12, rạng sáng 13 tháng 8. Xảy ra vào gần ngày Trăng tròn, Perseus lần này sẽ kém hấp dẫn đi nhiều, dù vậy nếu thời tiết đủ lý tưởng, người yêu thiên văn vẫn có cơ hội nhìn thấy không ít sao băng của nó ở những vùng trời không quá gần vị trí của Mặt Trăng.
  • 09 tháng 09: Sao Hải Vương tới vị trí trực đối. Hành tinh xa nhất được biết tới trong Hệ Mặt Trời sẽ tới vị trí thuận lợi nhất để quan sát từ Trái Đất. Tuy nhiên, nó chỉ có thể được quan sát qua các kính thiên văn, không thể quan sát bằng mắt thường.
  • 08 tháng 10: Mưa sao băng Draconids. Đây là một mưa sao băng nhỏ với mật độ ít khi quá 10 sao băng mỗi giờ. Nó có trung tâm là chòm sao Draco. Mặc dù bị Mặt Trăng cản trở một phần, những người may mắn vẫn có thể thấy được vài sao băng của Draconids nếu điều kiện quan sát lý tưởng.
  • 21, 22 tháng 10: Mưa sao băng Orionids. Mưa sao băng loại trên trung bình này có trung tâm là chòm sao Orion. Tuy Mặt Trăng có thể can thiệp phần nào, nhưng nếu có điều kiện quan sát tốt bạn vẫn có thể thấy được không ít vệt sáng của hiện tượng này vì nó sẽ có nhiều sao băng rất sáng.
  • 27 tháng 10: Sao Thiên Vương tới vị trí trực đối. Hành tinh lớn này sẽ ở vị trí thuận lợi nhất để quan sát. Bạn có thể thấy nó qua các kính thiên văn và ống nhòm nghiệp dư.
  • 05, 06 tháng 11: Mưa sao băng Taurids. Mưa sao băng này có trung tâm là chòm sao Taurus. Nó là một mưa sao băng nhỏ với mật độ cực điểm chưa tới 10 sao băng mỗi giờ. Dù vậy, nhờ không bị ánh Trăng cản trở nên nếu thời tiết cho phép, bạn vẫn sẽ quan sát được hiện tượng này.
  • 17, 18 tháng 11: Mưa sao băng Leonids. Trận mưa sao băng này xảy ra quanh khu vực của chòm sao Leo. Năm 2019, Leonids vẫn là một mưa sao băng loại trung bình với khoảng 30 sao băng mỗi giờ vào cực điểm. Mặt Trăng sẽ gây một số cản trở nhất định khiến việc quan sát Leonids sẽ khó khăn hơn một chút so với năm 2018.
  • 13, 14 tháng 12: Mưa sao băng Geminids. Đây là một trong hai mưa sao băng lớn nhất của năm - cùng với Perseids, những năm gần đây thường lớn hơn Perseids. Hiện tượng này diễn ra trong khu vực chòm sao Gemini. Năm 2019, Mặt Trăng sẽ làm giảm phần nào lượng sao băng mà bạn có thể quan sát. Tuy nhiên, ở những nơi có điều kiện thời tiết tốt, Geminids sẽ là một hiện tượng đáng chú ý vào cuối năm.
  • 21, 22 tháng 12: Mưa sao băng Ursids. Đây là mưa sao băng nhỏ diễn ra trong khu vực chòm sao Ursa Minor. Tuy nhiên, do ít bị ảnh hưởng bởi Mặt Trăng, ở điều kiện quan sát thuận lợi, bạn vẫn có thể nhìn thấy một số sao băng của hiện tượng này.
  • 26 tháng 12: Nhật thực một phần. Trưa ngày 26 tháng 12 năm 2019 theo giờ Việt Nam, nhật thực hình khuyên sẽ diễn ra. Đây là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trăng đang ở cách xa Trái Đất đủ để khiến nó không che được hết Mặt Trời. Tuy nhiên, do góc nhìn từ Việt Nam, chúng ta sẽ chỉ thấy nhật thực một phần. Dù vậy, đây vẫn là hiện tượng đáng chú ý nhất của năm 2019. Việc quan sát nhật thực sẽ cần sự chuẩn bị nhất định để bảo đảm an toàn, song song với việc đợi những hướng dẫn khi tới gần ngày sự kiện diễn ra, chúng tôi xin khuyến cao độc giả tham khảo bài sau: Cách an toàn để quan sát nhật thực.

Trong danh sách trên, chúng tôi chỉ tập trung nêu những hiện tượng đáng chú ý được quan sát tại Việt Nam, những sự kiện không có gì đặc biệt về mặt quan sát như siêu Trăng, Trăng xanh không được liệt kê.

Ngoài ra, rất tiếc cho người quan sát tại Việt Nam khi chúng ta sẽ không quan sát được nhật thực một phần ngày 06/01, nguyệt thực toàn phần ngày 21/01, nhật thực toàn phần ngày 02/07; và đặc biệt là sự quá cảnh của Sao Thủy ngày 11 tháng 11 - sự kiện mà phải tới năm 2039 mới lại xảy ra. VACA cũng sẽ tiếp tục đưa tin về việc quan sát các hiện tượng này đối với người yêu thiên văn ở các khu vực khác trên thế giới khi tới gần sự kiện.

VACA