InSight

Vừa qua, tàu đổ bộ InSight của NASA đã hạ cánh thành công trên bề mặt của Sao Hỏa với nhiệm vụ nghiên cứu bên trong hành tinh này, bao gồm thu thập dữ liệu về thành phần cấu tạo và hoạt động kiến tạo của hành tinh. Đây là một sự kiện rất đáng mừng. Nhưng ít ai biết rằng trước đây, khoảng một nửa các sứ mệnh tới Sao Hỏa đã thất bại, thường là trước khi chúng tiếp cận Hành tinh Đỏ bởi các lỗi xảy ra trong quá trình phóng hay trên chuyến hành trình của chúng, khiến chúng không thể đáp xuống bề mặt hay đi được vào quỹ đạo xung quanh hành tinh này.

Thất bại đầu tiên

Tàu Mars 2 của Liên Xô vinh dự là đối tượng nhân tạo đầu tiên chạm đến được Sao Hỏa, nhưng theo một cách ngoài mong muốn. Mars 2 đã lao vào khí quyển Sao Hỏa theo một đường quá dốc và không mở được dù để hạ cánh. Kết quả là nó đã đâm vào bề mặt và bị phá hủy, không bao giờ liên lạc được với các kỹ sư.

Tàu Mars 3 được phóng sau đó (cả 2 tàu này đều được phóng vào năm 1971) đã đáp được xuống bề mặt một cách có kiểm soát, thậm chí nó còn vượt qua được một cơn bão bụi dữ dội trên đường hạ cánh. Tuy nhiên, con tàu chỉ hoạt động được trong 20 giây trước khi rơi vào im lặng vĩnh viễn, chỉ kịp gửi về một bức ảnh không rõ ràng. Tuy vậy đó cũng đã là một thành công.

Bức ảnh đầu tiên và duy nhất mà Mars 3 gửi về. Trong bức hình này là gì thì tùy vào suy đoán của mỗi người.

 

Lỗi kỹ thuật

Trường hợp nổi tiếng nhất có lẽ là sự cố của Mars Climate Orbiter vào năm 1999. Sự cố này thậm chí không hoàn toàn là lỗi kỹ thuật: Một nhóm kỹ sư đã dùng đơn vị là pound và feet trong khi các kỹ sư còn lại đều dùng hệ đo lường metric (dùng các đơn vị như gram, mét hay lít, …). Không ai nhận ra vấn đề này cho đến khi con tàu đến quá gần hành tinh và bốc cháy trong phần khí quyển mà lẽ ra nó không được đi vào. Đây vẫn là một trong những sai lầm đáng xấu hổ của NASA - vì ít nhất hai kỹ sư đã nhận ra sự khác biệt này nhưng vấn đề vẫn không được khắc phục. Sự cố này đã làm tiêu tốn 193 triệu USD.

 
Thành công một nửa

Năm 2003, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã đưa thành công Mars Express vào quỹ đạo xung quanh Sao Hỏa. Vào tháng 12 năm đó, thành phần đổ bộ của nó là Beagle 2 được thả xuống để có thể đáp xuống hành tinh vào ngày Giáng Sinh, tuy nhiên sau đó Beagle 2 đã mất liên lạc. Các nhà khoa học cho rằng thiết bị đổ bộ đã bị rơi, mặc dù họ không nhận được bất kỳ dấu hiệu nào của sự cố.

Sau đó vào năm 2016, các nhà khoa học khi tìm kiếm trên ảnh vệ tinh của Sao Hỏa đã tìm thấy thiết bị này. Thực ra nó không bị rơi xuống bề mặt mà đã đáp xuống an toàn. Vấn đề là những tấm pin mặt trời của nó đã không được mở ra một cách chính xác, khiến cho nó không thể gửi tín hiệu về Trái Đất. Beagle 2 đã gần như thành công, tuy nhiên vẫn hoàn toàn thất bại trong nhiệm vụ của mình.

Sự thiếu may mắn của ESA vẫn chưa dừng lại ở đó. Năm 2016, họ một lần nữa thành công trong việc đưa một tàu vào quỹ đạo - đó là Trace Gas Orbiter. Nó tiếp tục thả xuống thiết bị đổ bộ là Schiaparelli. Lần này, nó đã giữ liên lạc liên tục với tàu đồng hành trên quỹ đạo nên các nhà khoa học có thể theo dõi tốt hơn quá trình hạ cánh. Con tàu đã đâm vào Hành tinh Đỏ với vận tốc 547 km/h.

Cảm biến của Schiaparelli đã quá tải trong quá trình hạ cánh dữ dội, khiến nó nhận định rằng đã tới mặt đất trong khi vẫn còn cách vài km. Vì vậy với phản ứng thông thường, nó đã đẩy dù bay ra và chỉ dùng bộ đẩy hạ cánh trong vòng vài giây. Nhưng sự thật không phải vậy. Và cuối cùng thiết bị này đã rơi với tốc độ cao trên quãng đường còn lại xuống mặt đất. Tuy nhiên lần này ít nhất các kỹ sư cũng biết chuyện gì đã xảy ra.

Beagle 2 lẽ ra nên mở ra như hình bên trái. Hình ảnh từ  Mars Reconnaissance Orbiter của NASA (hình bên phải) cho thấy một số tấm pin mặt trời đã không mở ra như dự kiến.

 

Thất bại ba lần

Tàu Mars Polar Lander vào năm 1999 mắc tất cả những sai lầm này. Nó không được quan sát thấy là đã hạ cánh, và các kỹ sư phải đưa ra dự đoán về điều gì đã xảy ra. Một năm sau, khi kiểm tra thiết bị, họ đã nhận ra đó là do tín hiệu sai gửi cho tàu đổ bộ cho nó biết nó đã ở trên mặt đất và nên dừng phanh trong khi không nên làm thế. Mẫu thử nghiệm đầu tiên có sự khác biệt và nó không gặp phải vấn đề này, nhưng thiết bị mà họ gửi tới Sao Hỏa thì có.

Thêm vào đó, các thiết bị thăm dò Deep Space 2 mà NASA gửi tới cùng với tàu đổ bộ cũng không thành công. Việc của các thiết bị này là đáp xuống bề mặt, và sau đó gửi báo cáo về. Tàu mẹ của tàu đổ bộ đã thả các thiết bị dò nhỏ này trước khi những rắc rối của chính nó bắt đầu, và các thiết bị dò DS2 dường như đã được phóng ra mà không gặp sự cố. Nhưng chúng không bao giờ gửi tín hiệu, khiến các kỹ sư cho rằng trên thực tế chúng đã không có khả năng sống sót sau sự va chạm mà chúng được thiết kế để trải qua.

Mars Polar Lander với dự định thu thập dữ liệu về khí hậu từ vùng cực Nam Sao Hỏa.

 

Đấy là nói về những thất bại, nhưng các sứ mệnh Sao Hỏa cũng có nhiều thành công, đặc biệt là trong những năm gần đây. Các kỹ sư không gian rất nghiêm túc khi họ nói rằng Sao Hỏa là đối tượng khó tiếp cận. Nó có lực hấp dẫn lớn hơn Mặt Trăng, khí quyển mỏng hơn Trái Đất để đẩy dù bay, và nó đủ xa khiến cho các thao tác chỉ được thực hiện bằng tự động.

May mắn thay, các cơ quan không gian đang ngày càng phát triển hơn và đã có thêm nhiều ý tưởng thú vị: đệm bơm hơi, bộ đẩy phanh và cần cẩu trên không. Điều đó thật tốt bởi vì chúng ta vẫn còn có những kế hoạch lớn cho hành tinh láng giềng của mình.

Gia Linh
Theo Astronomy