Ghost nebula

Vào đúng dịp Halloween này, kính thiên văn không gian Hubble của NASA và ESA đã ghi lại được một hình ảnh mới cực kỳ chi tiết của IC 63, nằm cách Trái Đất 550 năm ánh sáng tại chòm sao Cassiopeia. Đối tượng này đôi khi được gọi là Tinh vân Bóng Ma hoặc "Bóng ma của Cassiopeia".

Tinh vân này nằm gần ngôi sao Gamma [γ] Cassiopeiae (trung tâm của chòm sao hình chữ "W" này), và đang dần biến mất dưới tác động của tia tử ngoại từ ngôi sao đó. Đồng thời khi bị các photon năng lượng cao này tấn công, hydro của tinh vân này phát ra một ánh sáng màu đỏ. Ánh sáng xanh trong bức ảnh này không phải từ phát xạ mà là do sự phản xạ, khi bụi trong IC 63 phản chiếu một ít ánh sáng từ Gamma Cas. Do nó vừa phát vừa phản xạ ánh sáng, Tinh vân Bóng Ma được xếp vào loại tinh vân vừa phát xạ vừa phản xạ.

 

via GIPHY

Khi ánh sáng từ IC 63 chuyển từ dải biểu kiến (màu đỏ) sang hồng ngoại (màu xanh), nó hé lộ nhiều ngôi sao nằm bên trong hoặc xa hơn tinh vân này.

 

Tinh vân Bóng Ma không phải khu vực duy nhất bị ảnh hưởng từ sự phát xạ tử ngoại của ngôi sao nêu trên. Trên thực tế, Gamma Cas đang dần dần ăn mòn các đám mây trong một khu vực trải dài 2 độ trên bầu trời (khoảng 4 lần chiều rộng biểu kiến của Mặt Trăng tròn). Tuy bản thân ngôi sao này có thể được tìm thấy dễ dàng, IC 63 và IC 59 ở lân cận rất mờ và khó có thể nhìn thấy trừ khi bầu trời đang tối và bạn có một chiếc kính thiên văn lớn. Vào thời điểm diễn ra lễ hội Halloween, Mặt Trăng sẽ chỉ có khoảng 60% được chiếu sáng, nên nếu bạn muốn chụp lại hiện tượng này thì sẽ tốt hơn nếu đợi một vài ngày nữa đến ngày không Trăng là mùng 7 tháng 11 tới đây.

Tuấn Phong
Theo Astronomy