Ganymede

Ganymede - vệ tinh lớn nhất của Sao Mộc - là một thế giới băng mà các nhà thiên văn học tin rằng có ẩn giấu một đại dương lỏng bên dưới bề mặt của nó. Bề mặt đứt gãy lẫn lộn những chi tiết cũ và mới từ lâu đã ám chỉ một lịch sử phức tạp mà các nhà thiên văn muốn tìm hiểu. Vừa qua, một nghiên cứu mới được dự tính sẽ xuất bản ngày 15 tháng 11 trên tạp chí Icarus đã cho thấy Ganymede đã trải qua những giai đoạn kiến tạo rất giống với Trái Đất, phát hiện này làm sáng tỏ thêm về quá khứ hỗn loạn của vệ tinh này.

Các nhà nghiên cứu tại Trường khoa học đại dương, Trái Đất và công nghệ thuộc Đại học Hawaii ở Manoa đã khám phá được bằng chứng về sự kiến tạo trượt của Ganymede, qua đó gây ra những vết đứt gãy với các cạnh trượt ngang qua nhau. Ở Trái Đất, những vết đứt gãy như vậy thường được tìm thấy ở ranh giới giữa các mảng kiến tạo đại dương và lục địa; một trong những vết nổi tiếng nhất là vết nứt San Andreas ở California (Mỹ). Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu thu được bởi nhiệm vụ Galileo của NASA từ năm 1995 tới năm 2003 và tìm thấy 9 vết nứt trượt như vậy trên bề mặt Ganymede.

Marissa Cameron - tác giả chính của nghiên cứu - cho biết: "Phát hiện bất ngờ này cho thấy các vết đứt gãy trượt phổ biến như thế nào. Những đặc điểm của chúng được quan sát thấy ở cả 9 vết, đại diện cho những khu vực địa lý khác nhau của Ganymede. Ngoài ra, sự tương đồng giữa các vết có thể là dấu hiệu của một quá trình có qui mô lớn hơn trong quá khứ."

Hoạt động kiến tạo ở Ganymede đã diễn ra trong quá khứ, nhưng láng giềng đầy nước của nó là Europa thì lại cho thấy bằng chứng sự kiến tạo mảng ngày nay, có nghĩa là thế giới nước đó vẫn đang hoạt động.

"Kết hợp các quan sát của chúng tôi với những nghiên cứu trước đây mang lại một mô hình được cải tiến về lịch sử kiến tạo của Ganymede và cho phép chúng tôi tìm hiểu thêm về láng giềng của nó là Europa," Cameron nói.

Europa được đặc biệt quan tâm vì nó rất có tiềm năng cho sự tồn tại của sự sống, sự kiến tạo có thể làm tăng thêm khả năng vận chuyển các dinh dưỡng từ bề mặt tới đại dương bên dưới, cũng như cung cấp hơi ấm để giữ cho các đại dương cho phép sự sống.

Khám phá quá khứ và hiện tại của Ganymede mang tới cho các nhà nghiên cứu một cái nhìn thoáng qua vào tương lai có thể sẽ tới với Europa. Vệ tinh đầy tiềm năng này sẽ được Europa Clipper của NASA ghé thăm trong tương lai - nhiệm vụ này được dự kiến phóng vào những năm 2020.

Bryan
Theo Astronomy