Du hành và thám hiểm vũ trụ hiển nhiên luôn là một công việc đầy nguy hiểm. Các phi hành gia luôn nhận thức được rằng họ hoàn toàn có khả năng không thể trở về, và sẽ còn những nhiệm vụ khác trong tương lai sẽ buộc họ phải tiến xa hơn khỏi Hệ Mặt Trời, dẫn đến mức độ rủi ro còn cao hơn. Theo một nghiên cứu mới, du hành sâu vào vũ trụ thậm chí có thể dẫn đến tổn thương đường tiêu hóa nghiêm trọng (viết tắt là GI) đối với các phi hành gia.

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Đại học Georgetown (viết tắt là GUMC) đã cho chuột thí nghiệm tiếp xúc với bức xạ nhằm mô phỏng tác động của bức xạ vũ trụ thiên hà (viết tắt là GCR) đối với các phi hành gia tương lai trong môi trường vũ trụ. Kết quả họ thu được cho thấy bức xạ này có thể sẽ gây ra tổn thương GI rất nghiêm trọng. Nghiên cứu này cũng đã dấy lên những mối lo ngại về khả năng kích thích khối u dạ dày và đại tràng của bức xạ này.

"Bức xạ vũ trụ rất khác biệt so với bức xạ trên Trái Đất," theo Kamal Datta, phó giáo sư khoa hóa sinh và là một trong những người đứng đầu dự án của Trung tâm Nghiên cứu Chuyên ngành NASA (viết tắt là NSCOR) tại GUMC. "Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa biết được bức xạ vũ trụ sẽ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa ra sao", Datta cho biết thêm. Về tổng quát, ông cho rằng sự am hiểu của tất cả chúng ta về vấn đề này vẫn còn "rất mù mờ."

Vấn đề đường ruột
Cứ mỗi ba đến năm ngày, lớp tế bào trên cùng trong đường tiêu hóa của chúng ta lại được thay thế bằng một lớp mới. Quá trình này đóng vai trò giữ cho đường tiêu hóa của chúng ta hoạt động tốt. Khi quá trình thay thế này bị gián đoạn, nó sẽ làm thay đổi cách chúng ta hấp thụ các chất dinh dưỡng và còn có thể dẫn đến ung thư, theo Albert Fornace Jr., đồng tác giả nghiên cứu và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chuyên ngành NASA (NSCOR) tại GUMC.

Để mô phỏng bức xạ vũ trụ mà các phi hành gia có thể sẽ phải trải nghiệm, các nhà nghiên cứu đã cho chuột thí nghiệm tiếp xúc với bức xạ sắt liều thấp trong các khoảng thời gian ngắn tại Phòng Thí nghiệm Bức xạ Vũ trụ NASA (NSRL). Họ so sánh những chú chuột này với các chú chuột được tiếp xúc với tia gamma và tia X. Các nhà nghiên cứu đã quan sát các chú chuột này và nhận thấy chúng đã có dấu hiệu phát triển ung thư và không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng một cách hợp lý nữa.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện thấy các chú chuột tiếp xúc với bức xạ sắt đã sản sinh ra nhiều tế bào hồng cầu hơn - một loại tế bào không có khả năng phân chia như tế bào thông thường. Các tế bào này có thể làm chậm quá trình thay thế các tế bào đường tiêu hóa, gây ra sự trì hoãn của hoạt động đường tiêu hóa, dẫn đến stress oxy hóa và thậm chí có thể gây tổn thương đường tiêu hóa nghiêm trọng.

Tác hại này của bức xạ có vẻ như là vĩnh viễn, theo như tuyên bố của nhóm nghiên cứu.

Các nguy hiểm cho những phi hành gia
Nhóm nghiên cứu cho biết họ dự định sẽ tiếp tục tìm hiểu về các phản ứng này ở loài chuột và sẽ sử dụng nhiều bức xạ hơn để mô phỏng quá trình tiếp xúc dài hạn. Ngoài ra, mặc dù "số liệu trên loài chuột" có thể không phải hoàn hảo để xác định tác động của bức xạ đối với sức khỏe con người, hiện nay chúng ta chưa có đủ nhiều phi hành gia để thu thập số liệu và đi đến kết luận cuối cùng. Bên cạnh đó sẽ có nhiều vấn đề đạo đức nghề nghiệp được đặt ra nếu như các nhà nghiên cứu sử dụng con người làm vật thí nghiệm tương tự. Tuy vậy, Datta vẫn hy vọng sẽ có thể phát triển một mô hình ước tính rủi ro cho con người nhằm hỗ trợ các cơ quan không gian ước tính được mức độ rủi ro cho các phi hành gia trong tương lai.

Một khi họ đã có hiểu biết chính xác hơn về mức độ rủi ro, theo Datta cho biết, "mục tiêu ở đây là để đặt ra các biện pháp bảo vệ và liệu chúng ta có thể thử nghiệm các loại thuốc để phòng ngừa các thay đổi mà chúng tôi đã quan sát được hay không."

Tuấn Phong
Theo Astronomy