exomoon

Khi tìm kiếm một nơi nào đó có thể có sự sống phía ngoài Hệ Mặt Trời, chúng ta thường tìm các ngoại hành tinh đá, nhưng còn các hành tinh khí khổng lồ thì sao? Mặc dù khí quyển của chúng cùng với việc không có bề mặt rắn không phải là lý tưởng cho sự sống nhưng các vệ tinh đá của chúng thì có thể. Mới đây, dữ liệu từ tàu không gian Kepler của NASA đã mang lại thông tin về hơn 100 hành tinh khí khổng lồ nằm trong vùng sống được của các ngôi sao, qua đó hướng mục tiêu của các nhà nghiên cứu tới các ngoại vệ tinh có khả năng sống được.

Để nằm trong vùng sống được, một hành tinh cần ở cách sao mẹ của nó đủ xa để không bị quá nóng và đủ gần để không bị quá lạnh, sao cho nước có thể tồn tại ở dạng lỏng trên bề mặt của nó - một điều kiện cần có cho sự sống. Trong suốt 9 năm tìm kiếm những hành tinh có khả năng cho phép sự sống, Kepler đã tập trung vào những hành tinh đá có bề mặt rắn nằm trong vùng sống được như vậy.

Nhưng thay vì tìm kiếm các hành tinh rắn, các nhà nghiên cứu ở Đại học California, Riverside và Đại học Nam Queensland (Mỹ) đã sử dụng dữ liệu của Kepler để tìm kiếm những hành tinh khí khổng lồ có thể có vệ tinh đá với khí quyển và bề mặt tương tự Trái Đất. Tổng cộng, họ đã xác định được 121 hành tinh khí khổng lồ nằm trong vùng sống được của các ngôi sao.

"Hiện có 175 vệ tinh chuyển động quanh 8 hành tinh của Hệ Mặt Trời chúng ta đã được biết tới. Mặc dù hầu hết các vệ tinh chuyển động quanh Sao Thổ và Sao Mộc - những hành tinh nằm ngoài vùng sống được của Mặt Trời, nhưng việc đó có thể khác ở các hệ mặt trời khác," Stephen Kane ở Đại học California, Riverside cho biết. "Đưa thêm các ngoại vệ tinh đá vào việc tìm kiếm sự sống trong không gian sẽ mở rộng rất nhiều phạm vi mà chúng ta có thể tìm kiếm."

Dù vậy, tìm kiếm các ngoại vệ tinh không phải là dễ. Các hành tinh khí khổng lồ này có bán kính ít nhất 3 lần Trái Đất, khiến chúng khá dễ dàng được phát hiện với thiết bị phù hợp, nhưng các vệ tinh thì nhỏ hơn nhiều và rất khó để tìm thấy. Tới nay không có ngoại vệ tinh nào được xác định trực tiếp, nhưng dữ liệu của Kepler mang lại cho các nhà nghiên cứu một điểm khởi đầu vững chắc.

"Giờ đây chúng tôi đã tạo ra một cơ sở dữ liệu về các hành tinh khí không lồ nằm trong vùng sống được quanh ngôi sao của chúng, các quan sát sẽ được thực hiện trên những nơi nhiều khả năng có ngoại vệ tinh nhất để hỗ trợ việc xác định đặc điểm các ngoại vệ tinh. Những nghiên cứu tiếp theo của chúng tôi sẽ hỗ trợ những thiết kế kính thiên văn tương lại để có thể phát hiện những vệ tinh này, nghiên cứu đặc điểm của chúng, và tìm kiếm dấu hiệu của sự sống," Michelle Hill - một sinh viên sắp tốt nghiệp Đại học Southern Queensland - cho biết.

Theo các nhà khoa học, điều kiện cho sự sống trên các ngoại vệ tinh có thể thuận lợi hơn so với trên Trái Đất. Trên hành tinh của mình, chúng ta có thể lấy năng lượng từ bức xạ của Mặt Trời. Nhưng một ngoại vệ tinh có thể có hai nguồn năng lượng đồng thời từ cả ngôi sao và hành tinh của nó.

Khi mà việc săn lùng những ngoại hành tinh dạng Trái Đất vẫn đang tiếp tục, thì việc bao hàm thêm khả năng về các ngoại vệ tinh dạng Trái Đất chắc chắn sẽ tăng thêm cơ hội cho chúng ta trong việc tìm kiếm sự sống ngoài Hệ Mặt Trời.

R.T
Theo Astronomy