PLCK G308.3-20.2

Hình ảnh này do kính thiên văn không gian Hubble của NASA và ESA chụp được về một cụm thiên hà lớn rực sáng giữa bóng tối của vũ trụ. Mặc dù đẹp như vậy, cụm thiên hà lại có một cái tên khá dài và không được hấp dẫn lắm là PLCK G308.3-20.2.

Các cụm thiên hà có chứa hàng nghìn thiên hà liên kết với nhau bởi lực hấp dẫn. Đã từng có thời điểm chúng ta tin rằng chúng là những cấu trúc lớn nhất trong vũ trụ. Việc đó chỉ thay đổi khi vào những năm 1980, các nhà khoa học đã khám phá ra những cấu trúc lớn hơn nhiều gọi là những siêu cụm thiên hà.

Các siêu cụm thiên hà thường chứa vài chục cụm và nhóm thiên hà, trải rộng hàng trăm triệu năm ánh sáng. Tuy nhiên, có một điều là các siêu cụm thiên hà không liên kết bởi lục hấp dẫn (tất nhiên, lực hấp dẫn giữa các cụm là luôn có, nhưng trong trường hợp này nó không có tác động đáng kể tới chuyển động của chúng, các cụm tập hợp trong một siêu cụm chỉ đơn giản là chúng tương đối gần nhau so với những cụm xa hơn). Do đó, các cụm thiên hà vẫn được coi là cấu trúc lớn nhất được liên kết bởi hấp dẫn trong vũ trụ.

Một trong những thứ thú vị nhất trong các cụm thiên hà là khoảng không gian giữa các thiên hà trong cụm, được gọi là không gian trong cụm (ICM) (hay không gian liên thiên hà). Nhiệt độ cao được tạo ra trong những khoảng không này bởi sự tạo thành những cấu trúc nhỏ hơn trong cụm. Kết quả là ICM chứa khí ở dạng plasma phát sạng rất mạnh ở dải tia X.

Tuy nhiên, phần lớn khối lượng của cụm thiên hà lại tồn tại dưới dạng vật chất tối - loại vật chất bí ẩn không hề phát ra bất cứ dạng ánh sáng nào. Không giống với plasma, bật chất tối không được tạo thành bởi vật chất thông thường (proton, neutron và electron). Nó là dạng vật chất lý thuyết được cho là tạo thành 80% khối lượng của vũ trụ. Nhưng thực tế thì nó chưa từng được quan sát trực tiếp.

Hình ảnh mà bạn thấy ở trên được chụp bởi camera khảo sát cao cấp và camera trường rộng số 3 của kính Hubble. Việc chụp ảnh này nằm trong chương trình quan sát có tên là RELICS (viết tắt của 'Reionization Lensing Cluster Survey' - dịch một cách dễ hiểu là khảo sát thời kỳ tái ion hóa của vũ trụ bằng việc quan sát hiện tượng thấu kính hấp dẫn ở các cụm thiên hà). RELICS đã ghi hình 14 cụm thiên hà lớn với mục tiêu tìm ra những thiên hà sáng nhất ở khoảng cách lớn để kính thiên văn không gian James Webb sẽ tiếp tục nghiên cứu.

L.C

Theo Space Daily