NGC 1277

Phân tích mới về một thiên hà "đã chết" hứa hẹn mang lại những góc nhìn mới vào bản chất của vũ trụ sớm.

Hình thành cách đây khoảng 12 tỷ năm, thiên hà NGC 1277 tạo ra tất cả các sao của nó chỉ trong vòng có 100 triệu năm - một tốc độ tạo sao lớn gấp 1.000 lần tốc độ của Milky Way. Nhưng cũng nhanh như khi nó ra đời, thiên hà này đã chết từ lâu.

Trong 10 tỷ năm qua, NGC 1277 không hề có biến đổi nào, chỉ còn là một vết tích của một giai đoạn sớm trong tiến hóa thiên hà. Để hiểu rõ hơn cơ chế hoạt động của vũ trụ sớm, các nhà khoa học đã sử dụng kính thiên văn không gian Hubble để nghiên cứu NGC 1277.

Thiên hà thấu kính này được gọi là thiên hà "đỏ và chết". Hầu hết các thiên hà đỏ và chết được tìm thấy ở những nơi rất xa trong vũ trụ, quá xa để có thể ghi hình với độ chi tiết cao. Nhưng NGC 1277 chỉ cách Trái Đất có 240 triệu năm ánh sáng, như vậy là đủ gần để mang lại những cái nhìn mới.

Hầu hết các thiên hà có chứa cả những cụm sao cầu đỏ với đầy các sao giàu kim loại, và các cụm xanh với các sao nghèo kim loại.

Các mô hình về tiến hóa thiên hà gợi ý rằng các cụm sao đỏ hình thành trong những giai đoạn sớm nhất của sự hình thành thiên hà, trong khi các cụm xanh ra đời muộn hơn với việc vật chất tạo sao được lấy từ vùng xung quanh thiên hà. Sự vắng mặt các cụm sao cầu xanh là dấu hiệu cho thấy thiên hà đã ngừng tiến hóa.

Các thiên hà đỏ và chết hầu như chỉ có các cụm sao đỏ. NGC 1277 cũng vậy, nó chỉ có những cụm sao đỏ.

"Tôi đã nghiên cứu các cụm sao cầu trong các thiên hà trong thời gian dài, và đây là lần đầu tiên tôi thấy điều này," Michael Beasley, một nhà nghiên cứu ở Viện vật lý thiên văn quần đảo Canary, nói trong một họp báo.

Các nhà khoa học tin rằng lỗ đen siêu nặng ở trung tâm của NGC 1277 đã lớn lên rất nhanh, cuốn lấy vật chất xung quanh với tốc độ khủng khiếp và làm cho thiên hà phát triển rất nhanh. Nhưng sự phát triển này bị dừng lại đột ngột khi không còn vật chất sao nữa. Kết quả các thiên hà có chứa lượng sao rất lớn nhưng gói gọn trong khu vực rất nhỏ.

NGC 1277 bao quanh bởi các thiên hà khác mà từ đó nó có thể lấy cắp vật chất, nhưng những phát hiện mới nhất của Hubble cho thấy nó di chuyển quá nhanh để có thể sáp nhập với các thiên hà khác hoặc kéo được lượng vật chất đáng kể về phía mình.

Được mô tả mới đây trên tạp chí Nature, NGC 1277 là một trong số 50 thiên hà đã chết như vậy được xác định bởi khảo sát bầu trời Sloan (SDSS). Các nhà khoa học hi vọng rằng những khảo sát trong tương lai thực hiện trên những ứng viên tương tự sẽ giúp các nhà thiên văn hiểu rõ hơn về những sắc thái của tiến hóa thiên hà trong vũ trụ sớm.

Các nhà khoa học cũng hi vọng những kính thiên văn mới hơn và mạnh hơn sẽ giúp họ nghiên cứu vai trò của vật chất tối trong sự hình thành và tiến hóa của những thiên hà kì lạ như NGC 1277.

L.C
Theo Space Daily