Stephen Hawking đã ra đi ngày 14 tháng 3 năm 2018, ở tuổi 76. Ông là nhà khoa học người Anh nổi tiếng nhất thời hiện đại, một thiên tài đã cống hiến cuộc đời của mình để mở khóa những bí mật của vũ trụ.
Hawking sinh ngày mùng 8 tháng 1 năm 1942 - đúng 300 năm sau ngày mất của Galileo Galilei, người được coi là cha đẻ của khoa học hiện đại. Hawking luôn tin rằng khoa học chính là định mệnh của ông.
Nhưng cũng chính định mệnh đã đối xử với Hawking bằng một bàn tay độc ác...
Hầu hết cuộc đời mình, ông phải gắn bó với chiếc xe lăn bởi chứng xơ cứng động mạch một bên (ALS) - một dạng hội chứng thần kinh tấn công vào các dây thần kinh điều khiển vận động chủ động.
Điều đáng kinh ngạc là Hawking đã phủ nhận và thách thức dự đoán rằng ông sẽ chỉ sống được vài năm kể từ khi mắc bệnh này. Ông đã tiếp tục sống dù hoạt động cơ thể gần như duy nhất ông còn thực hiện được là nói - và giọng nói đó là thông qua một thiết bị máy tính có chức năng tổng hợp giọng nói.
Một lần ông đã viết: "Tôi thường được hỏi rằng: ông cảm thấy gì với việc bị ALS? Câu trả lời là: không nhiều lắm."
"Tôi cố gắng kiểm soát cuộc sống của mình một cách bình thường nhất có thể, và không nghĩ tới hoàn cảnh của mình hay nuối tiếc những thứ ngăn cản tôi, như vậy là cũng không nhiều."
Stephen Hawking, trên thực tế, vượt xa cả sự bình thường.
Bên trong lớp vỏ bọc của một cơ thể không thể cử động, ông có một trí tuệ cực kỳ sắc bén, bị quyến rũ bởi bản chất của vũ trụ, về việc vũ trụ đã hình thành ra sao và nó sẽ kết thúc như thế nào.
"Mục tiêu của tôi rất đơn giản," ông từng nói. "Đó là hoàn thiện hiểu biết về vũ trụ, tại sao nó lại như thế này và tại sao nó tồn tại."
Nhiều nghiên cứu của ông tập trung vào việc kết hợp thuyết tương đối (bản chất của không gian và thời gian) và thuyết lượng tử (cách mà các hạt nhỏ nhất hành xử trong vũ trụ) để qua đó giải thích sự ra đời và những quy luật của vũ trụ.
Vào năm 1974, Hawking trở thành một trong những thành viên trẻ nhất của cơ quan khoa học uy tín nhất nước Anh là Hội khoa học Hoàng gia (Royal Society), khi mới 32 tuổi.
Năm 1979 ông được bổ nhiệm làm giáo sư toán học giữ chiếc ghế Lucas của Đại học Cambridge, nơi mà ông đã chuyển tới sau khi rời Đại học Oxford để nghiên cứu về thiên văn học và vũ trụ học lý thuyết. Trong lịch sử hơn 350 năm, chỉ có 19 người từng giữ chiếc ghế này cho tới ngày nay, và một trong những tiền nhiệm của Hawking và Isaac Newton.
Hawking cuối cùng đã tự mình kiểm chứng lý thuyết về hấp dẫn của Newton vào năm 2007 khi mà ở tuổi 65, ông đã tham gia một chuyến bay không trọng lực ở tầm dưới quỹ đạo do Mỹ thực hiện (như hình ảnh bạn có thể thấy ở đầu bài viết). Ông coi việc này là một việc làm để chứng minh rằng khuyết tật không hề ngăn cản việc chinh phục những thành tựu và cũng qua đó khuyến khích sự chú ý của mọi người vào việc nghiên cứu không gian - điều mà ông tin rằng định mệnh của nhân loại phụ thuộc vào.
"Tôi nghĩ nhân loại không hề có tương lai nếu không đi vào không gian," ông nói. "Tôi tin rằng sự sống trên Trái Đất đang bị gia tăng đe dọa hơn bao giờ hết về việc bị xóa sạch bởi thảm họa như sự nóng lên toàn cầu, vũ khí hạt nhân, một virus di truyền hoặc những nguy hiểm khác."
Gần đây hơn, Hawking đã cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) có hể giúp xóa bỏ bệnh tật và đói nghèo, nhưng cũng có nhiều nguy hiểm tiềm ẩn.
"Tóm lại, thành công trong việc tạo ra AI có thể là sự kiện lớn nhất trong lịch sử văn minh của chúng ta. Cùng với những lợi ích, AI cũng có thể mang tới những nguy hiểm như những vũ khí tự điều khiển rất mạnh, hoặc những cách mới để một số ít người có thể áp chế nhiều số đông." - Hawking nói trong ngày mở cửa một trung tâm nghiên cứu AI mới của Đại học Cambridge năm 2016.
Thiên tài của Stephen Hawking mang lại nhiều vinh quang cho ông và ông trở thành một người truyền cảm hứng một cách dí dỏm, mang khoa học tới với đông đảo cộng đồng.
Cuốn sách "Lược sử thời gian" (A brief history of Time) của ông xuất bản lần đầu năm 1988 đã cố gắng giải thích những lý thuyết cơ bản về vũ trụ cho những người không làm khoa học và nó đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất thế giới, khiến tên tuổi của ông được tất cả mọi người biết đến.
Tác phẩm tiếp theo của Hawking cũng rất nổi tiếng nối tiếp sau đó là "Vũ trụ trong một hạt dẻ" (Universe in a nutshell) vào năm 2001.
Năm 2007, Hawking xuất bản cuốn sách dành cho trẻ em mang tên "Chìa khóa bí mật vào Vũ trụ của George" (George's Secret Key to the Universe) cùng với con gái của mình là Lucy. Cuốn sách này đã tìm cách giải thích hoạt động của Hệ Mặt Trời, các tiểu hành tinh cùng chủ đề yêu thích của ông là các lỗ đen cho trẻ em có thể hiểu được.
Hawking cũng xuất hiện trong nhiều tác phẩm nổi tiếng. Chẳng hạn ông đóng vai phụ trong phim "Star Trek: The Next Generation" và giọng của ông có xuất hiện trong một cảnh của "The Simpsons".
Hawking cưới người vợ đầu tiên là Jane Wild vào năm 1965 . Họ có 3 đứa con và chung sống cùng nhau 25 năm. Chuyện của họ đã được đưa vào bộ phim "The Theory of Everything" năm 2014 - một bộ phim xuất sắc đã mang lại cho diễn viên chính người Anh Eddie Redmayne (đóng vai Hawking) giải Oscar cho nam diễn viên xuất sắc nhất. Hawking đã ca ngợi thành công này và còn nói rằng có những khoảnh khắc trong phim khiến ông thực sự nghĩ rằng ông đang nhìn thấy chính mình.
Năm 2013, một phim tài liệu tên là "Hawking" đã được làm về ông, trong đó ông có nói: "Vì mỗi ngày đều có thể là ngày cuối cùng của tôi, tôi muốn tận dụng tối đa từng phút."
Bryan
Theo Space Daily