Vệ tinh thăm dò Mặt Trời Parker của NASA sẽ được phóng lên vào hè này và sẽ tới gần Mặt Trời hơn bất cứ thiết bị nào trước đây. Bạn có thể cho tên của mình tham gia chuyến hành trình lịch sử tới Mặt Trời này.
Vệ tinh Parker (Parker Solar Probe) được NASA lên lịch trình sẽ phóng lên vào hè năm 2018 này. Nó sẽ đi xuyên qua các lớp ngoài của khí quyển Mặt Trời và tới gần bề mặt ngôi sao này ở khoảng cách gần hơn bất cứ thiết bị nhân tạo nào trước đây.
Để kỷ niệm lần đầu tiên ghé thăm Mặt Trời ở khoảng cách gần như vậy, NASA mời mọi người trên khắp thế giới đăng ký tên của mình qua hệ thống trực tuyến, tên của người đăng ký sẽ được lưu trong một chiếc thẻ nhớ đặt trên vệ tinh Parker. Thời hạn cuối cùng để đăng ký sẽ là ngày 27 tháng 4 năm nay.
Để đăng ký tên của mình, bạn chỉ cần điền thông tin theo yêu cầu ở địa chỉ sau đây và sau đó xác nhận trong email mà NASA gửi cho bạn: http://go.nasa.gov/HotTicket
Dưới đây là hình ảnh tấm vé tới Mặt Trời của bạn sau khi đã đăng ký và xác nhận:
Vệ tinh Parker được đặt tên để vinh danh nhà vật lý thiên văn Eugene Parker - người đã có cống hiến lớn cho việc nghiên cứu từ trường Mặt Trời (Tất nhiên, không phải là đặt tên theo Spider Man, nếu như bạn vừa nhận thấy sự trùng hợp đó). Nó có kích thước của một chiếc xe loại nhỏ và sẽ hướng thẳng tới Mặt Trời cho tới khi đạt khoảng cách gần nhất là 6,4 triệu km tính từ bề mặt ngôi sao. Nhiệm vụ chính của vệ tinh này là thu thập dữ liệu để giúp các nhà khoa học tìm hiểu về cách mà năng lượng và nhiệt di chuyển qua nhật hoa và khám phá cơ chế gia tốc gió Mặt Trời cũng như các hạt năng lượng cao từ Mặt Trời.
Vận tốc của Parker sẽ đạt tới mức cao nhất ước tính là 692.000 km/h khi nó tới gần Mặt Trời nhất. Đó là vận tốc đủ để đi từ Washington D.C tới Tokyo chỉ trong chưa tới một phút.
Để bảo vệ cho vệ tinh cùng mọi thiết bị nghiên cứu đi kèm, các nhà khoa học thiết kế cho nó một tấm chắn nhiệt làm từ hợp chất carbon dày 11,4 cm để có thể chịu được nhiệt độ lên tới 2.500 độ F (1.371 độ C) khi tới gần Mặt Trời.
Bryan
Tham khảo: NASA, Earthsky