Earth-synestia

Một nghiên cứu mới vừa đưa ra một cách giải thích khác cho sự hình thành của Mặt Trăng. Theo giả thuyết này, Mặt Trăng hình thành ở ...bên trong của Trái Đất khi hành tinh của chúng ta vẫn còn là một khối đá nóng chảy quay rất nhanh gọi là synestia (tạm hiểu: hành tinh kiến tạo do va chạm).

Nghiên cứu mới này đứng đầu bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học California, Davis (UC Davis) và Đại học Harvard. Mô hình này giải quyết được nhiều vấn đề về sự hình thành của Mặt Trăng.

Sarah Stewart - giáo sư về Trái Đất và Khoa học hành tinh ở UC Davis - cho biết: "Nghiên cứu mới giải thích những đặc điểm của Mặt Trăng vốn rất khó giải quyết đối với những ý tưởng hiện tại. Mặt Trăng có cấu tạo hóa học gần như giống hệt Trái Đất, nhưng vẫn có một chút khác biệt. Đây là mô hình đầu tiên phù hợp với cấu tạo của Mặt Trăng."

Các mô hình hiện tại về sự hình thành Mặt Trăng gợi ý rằng Mặt Trăng hình thành do kết quả của một va chạm sượt qua giữa Trái Đất và một thiên thể cỡ Sao Hỏa, thường được gọi là Theia. Theo mô hình này, va chạm giữa Trái Đất và Theia ném một lượng đá và kim loại nóng chảy vào quỹ đạo và sau đó những vật chất này đã kết hợp lại tạo thành Mặt Trăng.

Giả thuyết mới thì cho rằng Mặt Trăng hình thành từ một synestia, tạm hiểu là một hành tinh đang kiến tạo. Loại thiên thể này được đề xuất bởi chính Stewart và Simon Lock vào năm 2017. Một synestia hình thành khi va chạm giữa các thiên thể cỡ hành tinh làm xuất hiện một cấu trúc quanh nhanh gồm đá nóng chảy và bốc hơi, trong đó một phần của chính nó lại chuyển động quanh nó, nhìn giống như một chiếc bánh donut.

Synestia là một quá trình không kéo dài lâu - có lẽ chỉ vài trăm năm. Chúng co lại rất nhanh và tỏa nhiệt, khiến đá dạng hơi hóa lỏng và cuối cùng co lại thành một hành tinh nóng chảy.

 

So sánh kích thước và cấu trúc của hành tinh rắn, hành tinh có đĩa khí bao quanh và synestia (kích thước đúng tỷ lệ đối với cùng khối lượng hành tinh)

 

"Mô hình của chúng tôi bắt đầu với một va chạm tạo thành synestia," Lock nói. "Mặt Trăng hình thành bêin trong Trái Đất đang bốc hơi ở nhiệt độ 4 đến 6 nghìn độ F (khoảng 2.200 đến 3.300 độ C) và áp suất hàng chục atmosphere."

Lợi thế của mô hình này, theo Lock, là có rất nhiều cách để một snestia phù hợp hình thành mà không cần dựa trên va chạm với một thiên thể có kích thước chính xác. Một khi synestia của Trái Đất đã hình thành, các khối đá nỏng chảy đổ vào quỹ đạo trong quá trình va chạm tạo thành hạt giống của Mặt Trăng.

Đá silicat bay hơi cô đặc trên bề mặt của synestia và rải xuống tiền-Mặt Trăng, trong khi synestia Trái Đất dần co lại. Cuối cùng, Mặt Trăng xuất hiẹn từ những đám mây của Synestia. Mặt Trăng do đó có cấu tạo hóa học giống Trái Đất. Nhưng do hình thành ở nhiệt độ cao nên nó đã mất đi nhiều nguyên tố dễ bay hơi, giải thích cho những phần khác biệt của nó.

Bryan

Theo Space Daily

Chú thích: Hiện tại, mô hình này mới vừa được đề xuất, chưa khẳng định được rằng nó có nhiều khả năng hơn mô hình trước đây về va chạm của Trái Đất với Theia.