Exoplanets

Dựa trên dữ liệu có được từ dự án K2 của NASA, một nhóm các nhà thiên văn học đa quốc gia vừa xác nhận thêm sự tồn tại của gần 100 ngoại hành tinh mới. Việc này nâng tổng số ngoại hành tinh - các hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời - do K2 phát hiện được lên gần 300. Kết quả này vừa được công bố trên Astronomical Journal.

Andrew Mayo - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện không gian quốc gia (DTU Space) tại Đại học Công nghệ Đan Mạch - cho biết: "Chúng tôi đã bắt đầu phân tích 275 ứng viên và 149 trong số đó được xác nhận là các ngoại hành tinh thật sự. Trong đó, 95 ngoại hành tinh được chứng minh là khám phá mới. Nghiên cứu này đã được bắt đầu tiến hành kể từ khi dữ liệu đầu tiên của K2 được công bố năm 2014."

Mayo là tác giả chính của nghiên cứu đã được công bố. Nghiên cứu này được thực hiện như một phần của đề tài nghiên cứu cao cấp trước tốt nghiệp của ông ở Đại học Harvard. Nó cũng có sự tham gia của một nhóm các đồng nghiệp tới từ các cơ quan như NASA, Caltech, UC Berkeley, Đại học Copenhagen và Đại học Tokyo.

Tàu không gian Kepler đã được phóng lên quỹ đạo năm 2009 để săn tìm các ngoại hành tinh ở một khu vực nhất định của bầu trời. Tuy nhiên đến năm 2013, chiếc kính thiên văn không gian này đã gặp một sự cố. Sau đó, các nhà thiên văn học và các kỹ sư đã khắc phục việc này bằng cách thay đổi trường quan sát của nó theo chu kỳ. Giải pháp này đã dẫn tới dự án được gọi là K2 - một dự án tới nay vẫn đang hoạt động, tìm kiếm các ngoại hành tinh qua hiện tượng quá cảnh (dựa vào sự mờ đi của các ngôi sao khi có hành tinh đi qua phía trước nó).

Lĩnh vực khám phá các ngoại hành tinh vẫn còn khá trẻ. Hành tinh đầu tiên chuyển động quanh một ngôi sao tương tự Mặt Trời được phát hiện mới từ năm 1995. Ngày nay đã có khoảng 3.000 ngoại hành tinh được phát hiện, từ các hành tinh đá cỡ Trái Đất cho tới những hành tinh khí khổng lồ như Sao Mộc.

Rất khó để phân định được những tín hiệu nào đến từ các ngoại hành tinh và những tín hiệu nào là từ nguồn khác. Mayo và các cộng sự đã phân tích hàng trăm tín hiệu được cho là có tiềm năng là ngoại hành tinh để từ đó xác định xem những tín hiệu nào thực sự đến từ các ngoại hành tinh.

"Chúng tôi thấy rằng một số tín hiệu gây ra bởi các hệ nhiều sao hoặc nhiễu loạn từ chính con tàu. Nhưng chúng tôi cũng phát hiện được các hành tinh có kích thước từ nhỏ hơn Trái Đất cho tới cỡ Sao Mộc hoặc lớn hơn," Mayo nói.

Một trong những hành tinh được phát hiện đang chuyển động quanh một sao rất sáng. Mayo cho biết: "Chúng tôi xác nhận được một hành tinh có quỹ đạo 10 ngày quanh một sao tên là HD 212657 - ngôi sao sáng nhất trong số các sao có hành tinh đã được phát hiện bởi Kepler cũng như dự án K2. Các hành tinh quanh những sao sáng là rất quan trọng bởi các nhà thiên văn có thể nghiên cứu nhiều điều về chúng bằng các kính thiên văn mặt đất."

"Các ngoại hành tinh là một phạm vi rất thú vị của khoa học không gian. Với việc có thêm nhiều hành tinh được khám phá, các nhà thiên văn học cũng sẽ hoàn thiện thêm bức tranh về bản chất của các ngoại hành tinh và từ đó sẽ cho phép chúng ta định vị chính xác hơn Hệ Mặt Trời của chúng ta trong thiên hà."

Kính thiên văn không gian Kepler đã có đóng góp quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu các ngoại hành tinh cả đối với nhiệm vụ ban đầu cũng như nhiệm vụ kế nhiệm K2. Cho tới nay những nhiệm vụ này đã cung cấp hơn 5.100 ứng viên hành tinh mà giờ đây có thể được xem xét kỹ hơn.

Với những nhiệm vụ không gian mới sắp được tiến hành như kính thiên văn không gian James Webb và vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh quá cảnh, các nhà thiên văn học sẽ có được những bước tiến đáng chú ý trong việc nghiên cứu các ngoại hành tinh, trong đó có những hành tinh đá cỡ Trái Đất nơi có thể hỗ trợ sự sống.

Bryan
Theo Space Daily