rosetta nebula

Một lỗ hở ở trung tâm của đám mây liên sao tuyệt đẹp như một bông hồng này đã thách đố các nhà thiên văn học suốt hàng thập kỷ. Nhưng một nghiên cứu mới đứng đầu bởi Đại học Leeds (Anh) đã đưa ra lời giải thích cho sự khác biệt giữa kích thước và tuổi của lỗ hở cũng như các sao ở trung tâm của tinh vân Rosette.

Tinh vân Rosette nằm trong thiên hà Milky Way của chúng ta, cách Trái Đất khoảng 5.000 năm ánh sáng. Nó được biết tới với hình dạng giống như một bông hoa hồng với một cái lỗ rõ nét ở giữa. Tinh vân này là một đám mây liên sao chứa bụi, hydro, heli và các khí ion hóa cùng nhiều sao nặng ở cụm sao trung tâm của nó.

Gió sao và bức xạ ion hóa từ các sao nặng tác động lên hình dạng của đám mây phân tử khổng lồ này. Nhưng kích thước và tuổi của lỗ hổng đã quan sát đươc ở trung tâm của Rosette là quá nhỏ khi so sánh với tuổi của các sao trung tâm.

Qua các mô phỏng máy tính, các nhà khoa học tại Đại học Leeds và Đại học Keele tìm ra rằng tinh vân này có thể đã được hình thành dưới dạng một đám mây phân tử dạng tấm mỏng thay vì dạng cầu hoặc đĩa dày giống như những gì mà các bức ảnh gợi ý. Một cấu trúc dạng đĩa mỏng định hướng cho gió sao thổi ra khỏi trung tâm đám mây có thể dẫn tới một lỗ khá nhỏ ở trung tâm.

Tác giả chính của nghiên cứu là TS. Christopher Wareing ở trường Vật lý và Thiên văn học cho biết: "Các sao nặng tạo thành cụm sao trung tâm của tinh vân Rosette có tuổi vài triệu năm và đã đi được nửa vòng đời của chúng. Với khoảng thời gian mà gió sao của chúng đã thổi ra, bạn sẽ trông đợi một lỗ hổng trung tâm lớn hơn thế tới 10 lần."

"Chúng tôi đã mô phỏng tác động của gió sao và sự hình thành tinh vân trong những mô hình mây phân tử khác nhau bao gồm cả dạng cầu khép kín, dạng đĩa dày và đĩa mỏng, tất cả đều được tạo ra từ cùng một đám mây phân tử mật độ thấp.

Dạng đĩa mỏng là mô hình tái hiện được hình thái vật lý - kích thước, hình dạng và từ trường của lỗ - ở độ tuổi phù hợp với các sao trung tâm và độ lớn của gió sao."

"Cực kỳ khó để có được một mô hình tái hiện lai chính xác như vậy hình thái vật lý khớp với dữ liệu quan sát mà không hề sắp đặt."

"Chúng tôi cũng may mắn khi có thể áp dụng dữ liệu vào các mô hình từ khảo sát Gaia - nhờ việc nhiều sao trong tinh vân Rosette nằm trong phạm vi của khảo sát này. Áp dụng dữ liệu đó vào các mô hình mang lại cho chúng tôi hiểu biết mới về vai trò riêng biệt của từng sao trong tinh vân Rosette. Tiếp theo chúng tôi sẽ hướng tới nhiều đối tượng tương tự trong thiên hà của chúng ta và xem liệu chúng tôi có thể xác định được hình dạng của chúng."

Các mô phỏng được công bố mới đây trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society đã được chạy thực hiện tại trung tâm máy tinh nghiên cứu cao cấp ở Leeds. Chín mô phỏng được thực hiện đòi hỏi các máy tính phải làm việc tương đương với 57 năm hoạt động liên tục của môt máy tính dân dụng thông thường.

L.C
Theo Science Daily