mars opposition

Năm 2003, Sao Hỏa đã ở gần Trái Đất nhất kể từ khoảng 60.000 năm trước đó và nó đã rất sáng trên bầu trời của chúng ta. Kể từ sau năm đó, năm 2018 này sẽ là thời điểm nó sáng nhất để bạn có thể quan sát.

Có thể bạn còn nhớ năm 2003. Mặc dù Sao Hỏa là một hành tinh ở khá gần Trái Đất và vẫn luôn là một điểm sáng đáng chú ý trên bầu trời, nhưng trong vòng vài tháng của năm đó, nó đã sáng hơn bất cứ lúc nào khác bạn từng nhìn thấy, sáng hơn bất cứ sao và hành tinh nào trên bầu trời đêm, chỉ trừ Sao Kim. Năm 2018 này, dù không bằng được 2003, nhưng hành tinh đỏ cũng sẽ sáng ... gần bằng như thế.

Sao Hỏa sẽ sáng lên đáng kể trong những tháng tới và sẽ trở thành một chấm đỏ rất đáng chú ý trên bầu trời vào tháng 7 năm nay.

Khác với tất cả mọi hành tinh khác, độ sáng của Sao Hỏa mà bạn quan sát được trên bầu trời thay đổi rất rõ rệt theo từng năm. Trong năm 2017 vừa qua, nó đã khá mờ nhạt, nhưng đang sáng dần lên ngay lúc này. Vào những ngày tháng 2 này, bạn có thể thấy cả Sao Hỏa và Sao Mộc vào ngay trước bình minh. Lúc này Sao Hỏa vẫn còn hơi mờ so với Sao Mộc nên bạn sẽ thấy thật khó tin khi được biết rằng trong vài tháng nữa, nó sẽ trở nên sáng hơn Sao Mộc. Nhưng đó là sự thật!

Cuối tháng 7 năm nay, vào thời điểm Trái Đất đi vào giữa Mặt Trời và Sao Hỏa (khi Sao Hỏa nằm ở vị trí trực đối), hành tinh đỏ sẽ sáng hơn tới 1,8 lần Sao Mộc.

 

Tại sao độ sáng của Sao Hỏa lại biến đổi nhiều như vậy?

Như chúng ta biết, các hành tinh đều chuyển động quanh Mặt Trời theo những quỹ đạo có chu kỳ khác nhau, do đó có những thời điểm Trái Đất và một hành tinh nào đó nằm cùng một phía so với Mặt Trời, khi đó từ Trái Đất chúng ta thấy hành tinh đó sáng hơn bình so với khi nó ở một phía khác. Với một hành tinh ở xa Mặt Trời hơn Trái Đất, thời điểm nó sáng rõ nhất để bạn quan sát là khi nó ở vị trí trực đối, tức là khi mà Trái Đất nằm giữa Mặt Trời và hành tinh đó. Mặc dù vậy, sự biến đổi độ sáng do thay đổi vị trí đối với trường hợp của Sao Mộc không thực sự rõ nét, vì khoảng cách từ Trái Đất tới Sao Mộc có sự thay đổi không quá nhiều giữa các vị trí khác nhau (vì Sao Mộc nằm cách chúng ta khá xa), mặt khác Sao Mộc là hành tinh lớn nhất Hệ Mặt Trời nên việc bạn thấy nó sáng có một phần đáng kể là do kích thước thực sự của nó.

Trong khi đó, Sao Hỏa là một hành tinh nhỏ với đường kính chỉ hơn nửa đường kính Trái Đất. Việc bạn thấy Sao Hỏa sáng đơn giản là vì nó ở gần chúng ta. Nhưng khi hai hành tinh nằm ở hai phía khác nhau so với Mặt Trời thì sự khoảng cách có sự thay đổi khá lớn và nó mờ hơn nhiều so với khi ở vị trí trực đối.

 

Các thời điểm Sao Hỏa tới trực đối từ 2010 đến 2022 cùng vị trí và khoảng cách của nó. Biểu đồ thực hiện bởi Roy L. Bishop

 

Tất nhiên, việc Sao Hỏa tới vị trí trực đối xảy ra không hiếm (khoảng 2 năm một lần). Nhưng lại có những thời điểm như năm 2003 và bây giờ là 2018 là bởi quỹ đạo của các hành tinh không có dạng tròn mà có dạng elip. Do hai quỹ đạo đều là elip và mặt phẳng quỹ đạo không hoàn toàn trùng nhau nên tất nhiên phải có một điểm trên quỹ đạo Trái Đất và một điểm trên quỹ đạo Sao Hỏa nằm gần nhau nhất so với bất cứ vị trí nào khác. Những thời điểm cả hai hành tinh đều đi qua rất gần điểm gần nhất này cùng lúc, chúng sẽ tới đủ gần nhau để từ Trái Đất chúng ta thấy sự sáng lên rõ rệt của Sao Hỏa. Tháng 7 năm nay là một thời điểm như vậy!

Tóm lại, năm 2018 là thời điểm lý tưởng để bạn quan sát Sao Hỏa, đặc biệt là vào cuối tháng 7. Nếu có một chiếc kính thiên văn dù là nhỏ, hoặc một chiếc ống nhòm hay máy ảnh có độ phóng đại quang học không tệ, bạn sẽ thấy thú vị hơn khi quan sát hành tinh này vào những đêm mùa hè năm nay. Nhưng tất nhiên, ngay cả với mắt thường, nó vẫn là một điểm sáng màu đỏ rất đáng chú ý.

Bryan
Tham khảo: Earthsky.org