Trappist-1

Các nhà khoa học nghiên cứu hệ hành tinh TRAPPIST-1 vừa công bố nghiên cứu cho biết bảy hành tinh trong hệ này đều là hành tinh đá, rất có thể có nước, và do đó có khả năng là các hành tinh "sống được".

Mặc dù còn rất nhiều điều chưa biết về bề mặt và khí quyển của các hành tinh trong hệ TRAPPIST-1, nhưng các phép đo mới đã không loại trừ khả năng chúng có thể tồn tại sự sống, dù có thể rất sơ khai.

Amaury Triaud, đồng tác giả của nghiên cứu ở Đại học Birmingham (Anh) cho biết: "Cho tới nay, không có dấu hiệu nào cho phép chúng ta nói rằng chúng không sống được. Tất cả đều đã được bật đèn xanh."

Nhóm nghiên cứu thu thập thêm thông tin về ngôi sao lùn ở trung tâm của hệ, đồng thời cải thiện các phép đo kích thước và khối lượng của từng hành tinh, cũng như thành phần khí quyển của chúng. Các nhà khoa học cho biết cả bảy hành tinh này đều hầu hết là đá, với lượng nước có thể chiếm tối đa là 5% - mặc dù chúng có thể ở dạng khí hoặc băng, hay bị giam giữ ở sâu bên dưới các lớp đá.

Ở Trái Đất của chúng ta, lượng nước ở các đại dương chỉ chiếm khoảng 0,02% tổng khối lượng của hành tinh.

Một năm trước, các nhà nghiên cứu đã công bố khám phá về bảy hành tinh dạng Trái Đất chuyển động quanh sao TRAPPIST-1, một sao lùn đỏ "cực lạnh" cách chúng ta khoảng 39 năm ánh sáng.

Khi nói về khả năng tồn tại sự sống hữu cơ trên các hành tinh này, Triaud trả lời AFP: "Chúng tôi không thể nói gì ở thời điểm này, vì chúng rất khác so với hành tinh duy nhất có sự sống mà chúng ta từng biết (Trái Đất)".

"Nhưng chúng có những đặc tính phù hợp và là nơi tốt nhất ở ngoài Hệ Mặt Trời để tìm kiếm sự sống."

Sự có mặt của nước được coi là điều kiện bắt buộc và tiên quyết cho sự tồn tại của sự sống ở bất cứ đâu. Các nhà thiên văn học đã sử dụng kính thiên văn không gian Hubble để tìm hiểu thêm về hệ hành tinh này bằng cách nghiên cứu khí quyển của các hành tinh khi chúng đi qua phía trước sao mẹ và xuất hiện như một chấm đen lướt dần qua ngôi sao - một hiện tượng được gọi là sự quá cảnh.

Phát hiện mới này đã được công bố trên hai bài báo thuộc hai tạp chí có uy tín là Nature Astronomy và Astronmy and Astrophysics. - Lạnh hơn Mặt Trời - Cả bảy hành tinh đều được xác nhận là có khả năng có nước, nhưng khả năng để tìm thấy nước ở dạng lỏng thì chủ yếu là ở các hành tinh nằm trong "vùng Goldilocks" - hay còn gọi là vùng sống được, một phạm vi khoảng cách không quá xa sao mẹ để nước bị đóng băng và không quá gần để bị hóa hơi.

Hệ TRAPPIST-1 hiện được coi là hi vọng lớn nhất để tìm kiếm bằng chứng của sự sống ngoài Hệ Mặt Trời.

"Khi chúng tôi kết hợp khối lượng mới được xác định với các phép đo kích thước đã được cải thiện, cũng như những hiểu biết mới về ngôi sao, chúng tôi có được mật độ chính xác của mỗi hành tinh và từ đó có được thông tin về thành phần bên trong của chúng," Triaud nói.

Theo đồng tác giả Simon Grimm ở Đại học Bern (Thụy Sĩ), hành tinh thứ ba và thứ tư trong hệ là có nhiều khả năng có sự sống nhất.

"Càng biết nhiều về các hành tinh này, chúng tôi càng thấy chúng có nhiều khả năng sống được," Grimm nói.

So với Hệ Mặt Trời, gia đình TRAPPIST-1 gắn bó chặt chẽ hơn nhiều. Với chu kỳ quỹ đạo kéo dài từ 1,5 đến 12 ngày, các hành tinh đều nằm gọn trong khoảng cách tương đương với khoảng cách từ Mặt Trời tới hành tinh gần nhất là Sao Thủy. TRAPPIST-1 là một sao lùn có khối lượng chưa tới 10% khối lượng của Mặt Trời và lạnh hơn rất nhiều. Điều đó giải thích tại sao các hành tinh của nó lại có quỹ đạo gần như vậy.

Tuấn Phong

Theo Space Daily