blackhole

Nghiên cứu mới đã tìm ra bằng chứng đầu tiên về những cơn gió mạnh quanh các lỗ đen xảy ra liên tục trong những vụ bùng sáng khi chúng nuốt lấy vật chất xung quanh.

Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Nature vừa qua. Nó đã làm rõ hơn về cách mà lỗ đen cuốn lấy vật chất cũng như cách mà chúng tác động lên môi trường xung quanh. Nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm nghiên cứu quốc tế do các nhà khoa học thuộc khoa Vật lý của Đại học Alberta (Canada) đứng đầu.

Sử dụng dữ liệu từ ba cơ quan không gian quốc tế thực hiện trong vòng 20 năm, các nhà khoa học đã sử dụng những kỹ thuật thống kê mới để nghiên cứu những vụ bùng nổ ở các lỗ đen khối lượng sao trong những hệ kép ở dải tia X. Kết quả của họ cho thấy bằng chứng về những cơn gió mạnh liên tục quanh lỗ đen trong suốt các vụ bùng nổ. Cho tới nay, những cơn gió mạnh như vậy mới chỉ được thấy rất hạn chế trong những phần nhất định của những sự kiện này.

Trưởng nhóm tác giả của nghiên cứu là Bailey Tetarenko cho biết: "Những cơn gió sẽ đẩy ra xa một phần lớn vật chất mà lỗ đen có thể nuốt vào. Một trong số các mô hình của chúng tôi cho thấy gió thổi dạt đi 80% bữa ăn của lỗ đen."

Tùy theo kích thước, các lỗ đen khối lượng sao có khả năng tiêu thụ mọi thứ quanh nó ở bán kính từ 3 đến 150 km. "Ngay cả ánh sáng cũng không thể thoát khi ở gần một lỗ đen như vậy," đồng tác giả Gregory Sivakoff cho biết.

Trong khi đó, những lỗ đen lớn hơn nhiều mà chúng ta gọi là những lỗ đen siêu nặng có thể gây ảnh hưởng tới sự tạo thành của cả một thiên hà.

"Nhưng ngay cả các lỗ đen siêu nặng đó cũng nhỏ hơn cả Hệ Mặt Trời của chúng ta. Dù nhỏ như vậy, các lỗ đen có thể gây ra những hiệu ứng lớn đến khó tin," Sivakoff giải thích.

Vậy chính xác thì thứ gì gây ra những cơn gió như vậy? Cho tới nay đó vẫn là một bí ẩn. "Chúng tôi nghĩ rằng từ trường đóng một vai trò quan trọng. Nhưng chúng tôi sẽ cần những nghiên cứu lớn trong tương lai để hiểu rõ về những cơn gió này," một đồng tác giả khác là Craig Heinke cho biết.

Kết quả nghiên cứu đã được công bố hôm 22/1 vừa qua trên bản online của tạp chí Nature - một trong những ấn phẩm khoa học uy tín nhất thế giới.

Tuấn Phong

Theo Science Daily

 

Để hiểu rõ hơn về lỗ đen, mời đọc bài: Lỗ đen, lỗ trắng và lỗ sâu.