NGC 5256

Một đám hỗn độn màu sắc và ánh sáng nhảy múa qua thiên hà có hình dạng khác thường NGC 5256. Những đám “mây khói” bung ra theo mọi hướng và vùng lõi chiếu sáng vùng hỗn độn của khí và bụi xoáy qua trung tâm thiên hà. Cấu trúc kỳ lạ này là do thực tế đây không chỉ là một thiên hà, mà là hai thiên hà đang va chạm.

NGC 5256 còn được gọi là Markarian 266, cách Trái Đất 350 triệu năm ánh sáng và nằm ở hướng của chòm sao Ursa Major (Gấu Lớn/Đại Hùng). Nó gồm hai thiên hà dạng đĩa mà lõi của chúng chỉ cách nhau khoảng 13.000 năm ánh sáng. Các thành phần của chúng như khí, bụi và sao chuyển động xoáy cùng nhau trong một khu vực dữ dội của vũ trụ, tạo nên những ngôi sao mới sinh ra trong những vùng tạo sao sáng rực khắp thiên hà.

Chúng ta có thể tìm thấy sự tương tác giữa các thiên hà ở khắp vũ trụ, chúng tạo ra rất nhiều cấu trúc phức tạp. Một số thì im ắng khi một thiên hà dần dần “nuốt” một thiên hà khác. Một số khác lại diễn ra rất hỗn loạn và mạnh mẽ, với sự hình thành các quasar, các vụ nổ supernovae và kích hoạt sự bùng nổ tạo sao.

Mặc dù những tương tác này đồng nghĩa với sự phá hủy ở qui mô thiên hà, nhưng các ngôi sao lại rất hiếm khi va chạm với nhau trong quá trình này vì khoảng cách giữa cúng rất lớn. Nhưng vì những thiên hà này vướng vào nhau thì các hiệu ứng triều mạnh mẽ sẽ tạo ra các cấu trúc mới – giống như những đám hỗn độn mà chúng ta thấy ở NGC 5256 – trước khi chúng dần lắng lại thành một cấu trúc ổn định sau hàng triệu năm.

Ngoài những đặc điểm như hỗn loạn và sáng thì mỗi thiên hà tạo nên NGC 5256 chứa một nhân thiên hà hoạt động, nơi mà các khí và mảnh vụn được đưa vào một lỗ đen siêu nặng. Các quan sát từ Đài quan sát Chandra X-ray của NASA cho thấy cả hai nhân thiên hà này và vùng khí nóng giữa chúng đã được làm nóng bởi các sóng xung kích tạo ra khi những đám mây khí va chạm ở tốc độ cao.

Sự sáp nhập các thiên hà như trường hợp của NGC 5256 hiện đang diễn ra phổ biến hơn trong thời kỳ đầu của vũ trụ và được cho là sẽ thức đẩy sự tiến hóa của thiên hà. Ngày nay hầu hết các thiên hà đều có dấu hiệu của việc sáp nhập trước đây và va chạm gần đây. Thiên hà Milky Way của chúng ta cũng có một lịch sử tương tác lâu dài: nó chứa những mảnh vụn của nhiều thiên hà nhỏ mà nó đã hấp thụ trong quá khứ, nó hiện tại đang “nuốt” thiên hà lùn hình cầu Sagittarius và như một sự hoàn trả của vũ trụ, thiên hà Milky Way sẽ sáp nhập vào thiên hà láng giềng của chúng ta – thiên hà Andromeda trong khoảng hai tỷ năm tới.

Cũng trong hình ảnh này từ Hubble ta có thể thấy một cặp thiên hà có tương tác khác – chúng ẩn mình bên phải NGC 5256 ở khoảng cách xa và vẫn chưa được khám phá bởi bất kỳ nhà thiên văn học nào. Từ góc nhìn của chúng ta trên Trái Đất, NGC 5256 cũng chỉ cách cặp thiên hà tương tác nổi tiếng khác là Messier 51 vài độ. Cặp thiên hà này được Hubble quan sát thấy vào năm 2005.

Mỹ Linh

Theo Space Daily