2018 phenomena

Năm 2018 sẽ là một năm hấp dẫn với người yêu thích quan sát bầu trời. Chúng ta có khá nhiều hiện tượng thú vị để quan sát, đặc biệt nhất là hai lần nguyệt thực toàn phần. Dưới đây là lịch trình các hiện tượng thiên văn đáng chú ý mà bạn có thể theo dõi khi quan sát tại Việt Nam.

03, 04 tháng 01: Mưa sao băng Quadrantids. Đây là trận mưa sao băng loại trung bình, gây ra bởi những mảnh vụn còn lại của sao chổi 2003 EH1. Nó được đặt tên theo chòm sao cổ Quadrans Muralis, hiện nay khu vực trung tâm của chòm sao này thuộc chòm sao Bootes. Không may mắn như trước đó một năm, Quadrantids sẽ bị cản trở đáng kể bởi ánh Trăng. Do đó ngay cả với điều kiện thời tiết thuận lợi và ít ô nhiễm bạn cũng chỉ có thể quan sát được một số ít sao băng của hiện tượng này.

31 tháng 01: Nguyệt thực toàn phần. Có thể khẳng định, đây là hiện tượng hấp dẫn nhất năm 2018, và chúng ta nên hi vọng rằng thời tiết sẽ ủng hộ việc quan sát. Việt Nam nằm trong khu vực có thể theo dõi trọn vẹn hiện tượng này với tổng thời gian tính cả pha nửa tối kéo dài 5 giờ 17 phút 12 giây, trong đó cực đại của pha toàn phần rơi vào lúc 20h31 theo giờ Việt Nam - một thời điểm rất phù hợp để quan sát.
Đặc biệt hơn nữa, nguyệt thực toàn phần này trùng vào thời điểm Mặt Trăng đi qua điểm cận địa (siêu Trăng/supermoon) do đó Mặt Trăng sẽ to và rõ hơn những lần quan sát thông thường một chút. Thêm một điểm thú vị là đây cũng là lần Trăng tròn thứ hai trong tháng 1 - thường được gọi là "Trăng xanh" (Blue Moon - tất nhiên, đó là tên gọi văn hóa, Mặt Trăng không hề có màu xanh). Lần Trăng tròn trước của tháng 1 diễn ra vào đêm 2/1 và cũng là một siêu Trăng (vì không đáng chú ý nên không được nêu ở trên).
VACA sẽ có thông báo chi tiết hướng dẫn quan sát nguyệt thực trước ngày diễn ra cũng như sẽ lên kế hoạch tổ chức quan sát hiện tượng này.

22, 23 tháng 04: Mưa sao băng Lyrids. Mưa sao băng trung bình/dưới trung bình có vùng trung tâm là chòm sao Lyra. Mặt Trăng sẽ lặn tương đối sớm nên nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, rạng sáng 23/04 sẽ là thời điểm lý tưởng để bạn quan sát hiện tượng này.

06, 07 tháng 05: Mưa sao băng Eta Aquarids. Đây là một mưa sao băng loại trên trung bình với cực điểm có thể đạt từ 30 đến 60 sao băng mỗi giờ. Mặc dù vậy, ánh Trăng sẽ che mờ phần lớn những gì bạn có thể quan sát. Tất nhiên nếu có điều kiện quan sát tốt, bạn vẫn sẽ nhìn thấy một số sao băng sáng nhất của nó. Trung tâm của hiện tượng này là chòm sao Aquarius.

09 tháng 05: Sao Mộc tới vị trí trực đối. Hành tinh lớn nhất Hệ Mặt Trời này sẽ nằm ở vị trí trực đối so với Mặt Trời (Trái Đất nằm giữa), do đó nó sẽ đạt độ sáng cao nhất và là thời điểm lý tưởng nhất để quan sát từ Trái Đất. Với những người có kính thiên văn, đây là cơ hội tốt nhất trong năm để quan sát hành tinh này.

27 tháng 06: Sao Thổ tới vị trí trực đối. Giống với Sao Mộc như nói trên, Sao Thổ vào thời điểm này sẽ ở vị trí lý tưởng nhất để được quan sát bằng mắt thường cũng như bằng kính thiên văn.

27 tháng 07: Sao Hỏa tới vị trí trực đối. Hành tinh Đỏ sẽ nằm ở vị trí trực đối với Mặt Trời qua Trái Đất và đây là thời điểm tốt nhất trong năm để bạn quan sát nó.

28 tháng 07: Nguyệt thực toàn phần. Đây là nguyệt thực thứ hai trong năm 2018. Người quan sát ở Việt Nam sẽ được theo dõi gần như trọn vẹn hiện tượng này vào rạng sáng ngày 28/07. Nếu vì thời tiết cản trở hay bất cứ lý do cá nhân nào khiến bạn bỏ lỡ nguyệt thực tối 31/1 thì đây sẽ là cơ hội tiếp theo của bạn trong năm 2018.

28, 29 tháng 07: Mưa sao băng Delta Aquarids. Đây là một trận mưa sao băng loại trung bình, cũng có trung tâm là chòm sao Aquarius. Năm nay, với việc cực điểm rơi vào gần thời điểm Trăng tròn, bạn sẽ không có nhiều cơ hội theo dõi được hiện tượng này. Tất nhiên, điều đó chẳng có gì đáng tiếc vì chính Trăng tròn đó đã cho phép bạn quan sát nguyệt thực như nêu trên.

12, 13 tháng 08: Mưa sao băng Perseids. Một trong những trận mưa sao băng lớn nhất trong năm với mật độ cực điểm có thể lên tới trên 60 hoặc đạt tới 100 sao băng mỗi giờ. Thời điểm lý tưởng nhất để quan sát hiện tượng này là tối 12, rạng sáng 13 tháng 8. Mặt Trăng sẽ lặn sớm và đó là điều kiện lý tưởng để quan sát. Trung tâm của hiện tượng này là chòm sao Perseus.

07 tháng 09: Sao Hải Vương tới vị trí trực đối. Hành tinh xa nhất được biết tới trong Hệ Mặt Trời sẽ tới vị trí thuận lợi nhất để quan sát từ Trái Đất. Tuy nhiên, nó chỉ có thể được quan sát qua các kính thiên văn, không thể quan sát bằng mắt thường.

08 tháng 10: Mưa sao băng Draconids. Đây là một mưa sao băng nhỏ với mật độ ít khi quá 10 sao băng mỗi giờ. Mặc dù vậy, với việc diễn ra vào đêm không Trăng, Draconids vẫn có thể cho phép người quan sát nhìn rõ một số sao băng của mình trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Nó có trung tâm là chòm sao Draco.

21, 22 tháng 10: Mưa sao băng Orionids. Mưa sao băng loại trên trung bình này có trung tâm là chòm sao Orion. Trăng gần tròn sẽ che mờ nhiều sao băng của nó, nhưng nếu có điều kiện quan sát tốt bạn vẫn có thể thấy được không ít vệt sáng của hiện tượng này vì nó sẽ có nhiều sao băng rất sáng.

23 tháng 10: Sao Thiên Vương tới vị trí trực đối. Hành tinh lớn này sẽ ở vị trí thuận lợi nhất để quan sát. Bạn có thể thấy nó qua các kính thiên văn và ống nhòm nghiệp dư.

05, 06 tháng 11: Mưa sao băng Taurids. Mưa sao băng này có trung tâm là chòm sao Taurus. Nó là một mưa sao băng nhỏ với mật độ cực điểm chưa tới 10 sao băng mỗi giờ. Dù vậy, nhờ không bị ánh Trăng cản trở nên nếu thời tiết cho phép, bạn vẫn sẽ quan sát được hiện tượng này.

17, 18 tháng 11: Mưa sao băng Leonids. Trận mưa sao băng này xảy ra quanh khu vực của chòm sao Leo. Năm 2018, Leonids vẫn là một mưa sao băng loại trung bình với khoảng 30 sao băng mỗi giờ vào cực điểm. Mặt Trăng sẽ lặn sớm trong tối 17 và do đó rạng sáng 18/11 sẽ là thời điểm lý tưởng để bạn quan sát hiện tượng này.

13, 14 tháng 12: Mưa sao băng Geminids. Đây là mưa sao băng lớn nhất của năm, diễn ra trong khu vực chòm sao Gemini. Năm 2018, Mặt Trăng sẽ không gây cản trở nào cho việc quan sát hiện tượng này. Ở những nơi có điều kiện thời tiết tốt, Geminids sẽ là một hiện tượng đáng chú ý vào cuối năm.

21, 22 tháng 12: Mưa sao băng Ursids. Đây là mưa sao băng nhỏ diễn ra trong khu vực chòm sao Ursa Minor. Trăng sáng sẽ che mờ hầu hết sao băng của nó nên chỉ khi có điều kiện thời tiết và khí quyển lý tưởng bạn mới có thể nhìn được một số sao băng sáng nhất.

Trên đây là các hiện tượng thiên văn đáng chú ý mà người quan sát ở Việt Nam có thể theo dõi trong năm 2018. Chi tiết về từng hiện tượng và cách quan sát chúng sẽ được VACA tiếp tục cập nhật ít ngày trước mỗi sự kiện.

Chúc độc giả một năm thú vị với các hiện tượng thiên văn!

VACA

Bài viết có tham khảo thông tin từ NASA và Seasky.org