Kepler 90

Trong một hội nghị trực tuyến vừa diễn ra, NASA và Google đã công bố phát hiện mới đây về 8 hành tinh chuyển động trên quỹ đạo quanh một ngôi sao dạng Mặt Trời là Kepler-90, nằm cách Trái Đất khoảng 2.500 năm ánh sáng.

Hệ hành tinh này đã được quan sát trước đây và được xác định là có 7 hành tinh được ký hiệu theo các chữ cái là b, c, d, e, f, g, và h. Vừa qua, một hành tinh mới được khám phá có tên là Kepler-90i là hành tinh đá chuyển động quanh ngôi sao này với chu kỳ 14,4 ngày và nhiệt độ bề mặt khoảng 426 độ C. (Hành tinh này là hành tinh thứ ba của hệ, mặc dù vậy nó được phát hiện sau nên được đặt tên theo chữ cái tiếp theo, sau Kepler-90h).

Việc khám phá ra Kepler-90i được thực hiện nhờ sử dụng một hệ thống mạng nơ-ron do Google xây dựng có khả năng phân tích dữ liệu lưu trữ của kính thiên văn không gian Kepler.

Christopher Shallue - kỹ sư cao cấp về phần mềm của Google AI và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: "Mạng nơ-ron này là một thuật toán được thiết kế dựa trên việc lấy cảm hứng từ chính bộ não con người". Trong hội nghị, Shallue giải thích rằng thuật toán này lấy các thông số mẫu, học cách xác định các mẫu trong dữ liệu và sau đó sử dụng chúng để thực hiện những xác định trong tương lai.

Khi Kepler bắt đầu được đưa lên quỹ đạo vào năm 2009, các nhà thiên văn học chưa biết được liệu các hành tinh có phổ biến ở quanh các sao khác hay không. Nhưng chỉ trong 4 năm, Kepler đã có được tập hợp dữ liệu về 35.000 tín hiệu rất có thể là từ các hành tinh khác chỉ trong một vùng nhỏ của bầu trời.

Mặc dù một số thuật toán cơ bản đã được sử dụng để sắp xếp và lọc dữ liệu, nhưng thực tế thì bộ não của con người vẫn đóng vai trò chính trong việc này. Điều đó không chỉ làm mất rất nhiều thời gian quý giá, mà còn đồng nghĩa với việc những tín hiệu yếu nhất thường bị bỏ qua.

 

Trong tổng số hơn 3500 ngoại hành tinh từng được xác nhận thì hơn 2500 trong số đó đươc phát hiện bởi kính thiên văn không gian Kepler. Trong biểu đồ này, những ngoại hành tinh do Kepler phát hiện được ký hiệu bằng các chấm sáng màu vàng. Trục dọc biểu thị bán kính của hành tinh khi so sánh với bán kính Trái Đất, còn trục ngang biểu thị chu kỳ quỹ đạo của hành tinh tính theo ngày.

 

Trước khi mạng nơ-ron mới có thể phân tích dữ liệu của Kepler, các nhà nghiên cứu ban đầu đã phải cho nó luyện tập việc xác định được các ngoại hành tinh quá cảnh qua đường biểu diễn độ sáng của các sao do Kepler thu được. Đường biểu thị độ sáng cho thấy độ sáng của một ngôi sao bị giảm đột ngột khi có một hành tinh di chuyển qua phía trước của nó.

Sử dụng 15.000 tín hiệu ngoại hành tinh đã được xác nhận trước đây, mạng nơ-ron này đã học được cách xác định trực tiếp các hành tinh thực sự. Sau khi nó đã học được việc đó, các nghiên cứu cho nó thực hành trên 670 tín hiệu thuộc loại yếu nhất mà Kepler đã ghi nhận được.

"Đúng như chúng tôi trông đợi, có những khám phá nằm ngay trong dữ liệu lưu trữ của Kepler, chờ đợi công cụ và công nghệ phù hợp để khai quật chúng," Paul Hertz - giám đốc bộ phận Vật lý thiên văn của NASA nói trong một họp báo. "Phát hiện này cho thấy dữ liệu của chúng tôi sẽ là một kho báu để các nhà nghiên cứu sáng tạo trong những năm tới."

Jessie Dotson - nhà nghiên cứu của dự án Kepler tại Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA nói: "Những kết quả này chứng minh cho giá trị lâu dài của nhiệm vụ Kepler. Những cách mới để theo dõi dữ liệu - chẳng hạn như việc áp dụng thuật toán này - hứa hẹn rằng sẽ tiếp tục mang tới những tiến bộ đáng chí ý cho hiểu biết của chúng ta về các hệ hành tinh quanh các sao khác. Tôi chắc rằng còn rất nhiều thứ trong dữ liệu đợi con người tìm thấy."

Bryan

Theo Astronomy