A/2017 U1

Một thiên thể nhỏ mới được phát hiện gần đây - có thể là một tiểu hành tinh hoặc sao chổi - dường như có nguồn gốc từ ngoài Hệ Mặt Trời. Nó tới từ một nơi nào đó khác trong thiên hà của chúng ta. Nếu vậy, nó sẽ là vật thể liên sao đầu tiên được quan sát và xác nhận bởi các nhà thiên văn học.

Vật thể bất thường này có đường kính chưa tới 400 mét và di chuyển khá nhanh. Nó được đặt ký hiệu là A/2017 U1. Các nhà thiên văn học đang khẩn trương hướng các kính thiên văn khắp thế giới cũng như ngoài không gian vào đối tượng này. Một khi dữ liệu được thu thập và phân tích, họ có thể biết được nhiều hơn về nguồn gốc và có thể cả thành phần của nó.

A/2017 U1 được phát hiện hôm 19 tháng 10 vừa qua bởi kính thiên văn Pan-STARRS 1 của Đại học Hawaii đặt tại Haleakala - Hawaii trong chương trình tìm kiếm các vật thể gần Trái Đất của NASA. Rob Weryk - một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ ở Viện Thiên văn học (IfA) của Đại học Hawaii là người đầu tiên xác định được thiên thể này.

Weryk tìm kiếm thêm trong hình ảnh lưu trữ của Pan-STARRS và thấy rằng thiên thể này cũng xuất hiện trong những hình ảnh chụp được vào đêm hôm trước nhưng ban đầu không được phát hiện bởi quá trình xử lý vật thể di động. Weryk lập tức nhận ra rằng đây là một vật thể bất thường. "Chuyển động của nó không thể được giải thích dựa trên quỹ đạo thông thường của tiểu hành tinh và sao chổi trong Hệ Mặt Trời" - ông nói.

Davide Farnocchia tại Trung tâm nghiên cứu vật thể gần Trái Đất (CNEOS) của NASA tại Phòng thí nghiệm phản lực (JPL) ở Pasadena, California cho biết: "Đây là quỹ đạo đặc biệt nhất tôi từng thấy. Nó di chuyển rất nhanh trên một đường đi mà chúng tôi có thể tự tin khẳng định rằng đang hướng ra ngoài Hệ Mặt Trời và sẽ không quay trở lại."

A/2017 U1 tới từ hướng của chòm sao Lyra (cây đàn Lyre (đàn lia) - ở Việt Nam thường dịch là Thiên Cầm), băng qua không gian liên sao với vận tốc 25,5 km/s. Thiên thể này đã tiếp cận Hệ Mặt Trời của chúng ta ở vị trí gần như ngay phía trên mặt phẳng Hoàng đạo - mặt phẳng có chứa quỹ đạo của các hành tinh và hầu hết các tiểu hành tinh trong Hệ.

Vào ngày 2/9, thiên thể này đã cắt qua Hoàng đạo ở vị trí phía trong quỹ đạo của Sao Thủy và sau đó tới gần Mặt Trời nhất vào hôm 9/9. Bị kéo bởi hấp dẫn của Mặt Trời, thiên thể này đã lượn ngược trở lại và đi qua phía dưới (theo hướng Nam tính theo trục Trái Đất) Hoàng đạo, cách Trái Đất của chúng ta khoảng 24 triệu km (khoảng 60 lần khoảng cách từ chúng ta tới Mặt Trăng) vào hôm 14 tháng 10. Tiếp đó nó đã lại trở lên phía trên của mặt phẳng Hoàng đạo và đang di chuyển với vận tốc 44 km/s về hướng chòm sao Pegasus.

Karen Meech - nhà thiên văn tại IfA chuyên về các thiên thể nhỏ và liên hệ của chúng với sự hình thành Hệ Mặt Trời - cho biết: "Chúng tôi từ lâu đã đặt nghi vấn về việc những vật thể như vậy phải tồn tại, vì trong suốt quá trình hình thành hành tinh, rất nhiều vật chất phải bị ném khỏi các hệ hành tinh. Điều đáng ngạc nhiên nhất là trước đây chúng tôi chưa từng thấy bất cứ vật thể liên sao nào đi qua."

Thiên thể mới được phát hiện này được đặt ký hiệu tạm thời như trên bởi Trung tâm hành tinh nhỏ (MPC) ở Cambridge, Massachusetts, nơi tập hợp thông tin về tất cả các thiên thể nhỏ trong Hệ Mặt Trời. Giờ đây, A/2017 U1 trở thành thiên thể ngoài Hệ đầu tiên được ghi nhận trong dữ liệu của trung tâm này.

Giám đốc của MPC là Matt Holman nói: "Khám phá dạng này chứng minh giá trị khoa học to lớn của việc khảo sát liên tục toàn bộ bầu trời, kết hợp với những quan sát chuyên sâu để tìm ra những thứ mà chúng ta còn chưa biết tới."

Vì đây là thiên thể đầu tiên thuộc dạng này được phát hiện, qui tắc đặt tên cho loại thiên thể này sẽ cần được quyết định bởi Hiệp hội thiên văn Quốc tế (IAU).

"Chúng tôi đã đợi ngày này trong nhiều thập kỷ," Paul Chodas, điều hành viên của CNEOS nói. "Từ lâu sự tồn tại của những thiên thể này đã được nêu trong lý thuyết - những tiểu hành tinh và sao chổi di chuyển giữa các sao và đôi khi đi xuyên qua Hệ Mặt Trời của chúng ta. Tuy nhiên đây là lần phát hiện đầu tiên. Tới nay, mọi thứ đều cho thấy đây là một vật thể liên sao, nhưng sẽ cần thêm dữ liệu để xác nhận điều đó."

Bryan

Theo Space Daily