Các nhà nghiên cứu thông qua việc điều tra xem liệu nước có thể tồn tại trên Sao Hỏa hay không đã đưa ra một cái nhìn mới về giới hạn của khả năng tồn tại sự sống trên hành tinh này.
Một nhóm do Tiến sĩ Lorna Dougan ở Đại học Leeds (Anh) đứng đầu đã phân tích cấu trúc của nước trong dung dịch magnesium perchlorate - Mg(ClO4)2 - để hiểu rõ hơn làm cách nào nước có thể tồn tại trên bề mặt Sao Hỏa.
Các mẫu đất Sao Hỏa thu được bởi Phoenix Lander vào năm 2009 đã tìm thấy can xi và các chất oxy hóa mạnh, trong đó có magnesium perchlorate. Điều này củng cố cho dự đoán rằng các dòng chảy perchlorate có thể là nguyên nhân của những đặc tính kênh rạch và thời tiết đã quan sát được trên bề mặt hành tinh này.
Tiến sĩ Dougan cho biết: "Việc khám phá ra một số lượng đáng chú ý các muối perchlorate khác nhau trong đất Sao Hỏa mang lại một cái nhìn mới về các "lòng sông" của nó."
"Nhiệt độ bề mặt trên Sao Hỏa có thể đạt trên 20 độ C ở xích đạo và xuống tới -153 độ C ở cực. Với nhiệt độ trung bình là -55 độ C, nước không thể tồn tại dưới dạng lỏng trên Sao Hỏa, nhưng các dung dịch perchlorate cô đặc có thể tồn tại ở nhiệt độ này."
Thông qua các thí nghiệm tại ISIS (một cơ sở thí nghiệm thuộc Hội đồng các cơ sở khoa học và công nghệ Anh) và mô hình máy tính, nhóm nghiên cứu đã có thể tinh chỉnh và phân tích cấu trúc của loại nước Sao Hỏa này.
Kết quả phân tích của họ vừa được công bố trên Nature Communications, cho thấy magnesium perchlorate có tác động đáng kể lên cấu trúc của nước. Hiệu ứng mà perchlorate gây ra tương đương với việc gây ra cho nước một áp suất khoảng 2 tỷ pascal hoặc hơn. Nhóm nghiên cứu đã quan sát thấy các ion trong nước bị phân tách một phần và sự phân tách này có thể là nguyên nhân ngăn cho chất lỏng không bị đóng băng.
Tiến sĩ Dougan nói: "Chúng tôi thấy rằng những quan sát này khá hấp dẫn. Nó mang tới một cái nhìn mới về cách mà các muối hòa tan trong nước. Magnesium perchlorate là yếu tố quan trọng quyết định điểm đóng băng của dung dịch này và mở đường cho hiểu biết về cách mà chất lỏng có thể tồn tại trong điều kiện nhiệt độ thấp hơn điểm đóng băng ở Sao Hỏa."
"Nó khơi dậy những câu hỏi thú vị về khả năng tồn tại sự sống trên Sao Hỏa. Nếu như cấu trúc của nước Sao Hỏa có tính chịu áp suất cao, có lẽ chúng ta có thể trông đợi việc tìm thấy những sinh vật liên quan tới sự sống chịu áp suất cao như những vi khuẩn sống sâu dưới lòng biển và những sinh vật có thể phát triển ở áp suất cao khác."
"Việc này làm nổi bật tính quan trọng của việc nghiên cứu sự sống ở những môi trường khắc nghiệt trong cũng như ngoài đất liền và như vậy chúng ta có thể hiểu được một cách trọn vẹn về giới hạn tự nhiên của sự sống."
Bryan
Theo Science Daily