Voyager 1

Chúng ta có cô đơn không? 40 năm trước, các nhà khoa học tên lửa của NASA đã tìm cách trả lời câu hỏi này bằng cách phóng tàu Voyager, cặp tàu song sinh không người lái đi xa hơn bất kỳ vật thể nhân tạo nào trong lịch sử. Chúng vẫn đang tiếp tục hành trình.

Vào thời điểm 1977 khi Voyager 1 và 2 được phóng đi cách nhau 2 tuần từ mũi Canaveral, Florida, các nhà khoa học chỉ biết rất ít về các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời và khó có thể tưởng tượng được phạm vi của chuyến đi sắp tới vào vũ trụ.

Ed Stone, nhà khoa học của dự án Voyager, cho biết: "Khi chúng tôi phóng tàu lên vào 40 năm trước, không ai trong chúng tôi biết rằng đến giờ mọi thứ vẫn hoạt động và chúng vẫn tiếp tục hành trình tiên phong này”. Nhiệm vụ chính của Voyager là khám phá các hành tinh khác bao gồm Sao Mộc, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương, nhưng đồng thời nó cũng mang theo câu chuyện về nhân loại vào không gian sâu thẳm.

Trên mỗi chiếc Voyager là một đĩa ghi âm vàng - cùng thiết bị chạy đĩa– được chế tạo để có thể tồn tại trong một tỷ năm nữa hoặc hơn và chứa đựng những thông tin quan trọng về nhân loại và sự sống trên Trái Đất, trong trường hợp chạm trán với người ngoài hành tinh. Các âm thanh trong đĩa bao gồm các tiếng kêu của cá voi lưng gù, bài hát "Johnny B. Goode" của Chuck Berry, bản giao hưởng thứ năm của Beethoven, một bản nhạc shakuhachi của Nhật Bản (một loại sáo), bài hát của những cô gái Pygmy, và lời chào bằng 55 thứ tiếng.

Nhà thiên văn học người Mỹ Carl Sagan, một trong những nhà khoa học hàng đầu liên quan đến dự án, cũng yêu cầu con trai ông là Nick, hiện giờ đã 46 tuổi, ghi âm giọng nói của cậu vào chiếc máy.

"Xin chào, lời chào từ một đứa trẻ của hành tinh Trái Đất," cậu bé người Mỹ nói.

Có tổng cộng 115 bức ảnh được mã hóa dưới dạng tương tự, bao gồm Vạn Lý Trường Thành, kính thiên văn, hoàng hôn, voi, Jane Goodall cùng những con tinh tinh, sân bay, tàu hỏa, người mẹ cho con bú, cá heo và hình ảnh các cơ quan sinh dục của người.

Đĩa vàng có ghi lại thông tin về hành tinh và nền văn minh của chúng ta mà 2 tàu Voyager mang theo.

 

- Khám phá những thế giới khác -

Voyager 2 được phóng trước, vào ngày 20 tháng 8 năm 1977, tiếp theo là Voyager 1 vào ngày 5 tháng 9 theo quỹ đạo nhanh và ngắn hơn và vì thế sau đó nó vượt lên dẫn trước Voyager 2. Sứ mệnh này được thực hiện vào một thời điểm hiếm hoi chỉ xảy ra 175 năm một lần, khi các hành tinh xếp thẳng hàng, bằng cách tận dụng sự hỗ trợ của "lực hấp dẫn" tăng lên do đi qua các hành tinh để giảm thiểu lượng nhiên liệu cần thiết.

Nhưng Voyager đã phải đối mặt với nhiều thách thức ngay từ ban đầu, từ ngân sách hạn hẹp đến giới hạn của công nghệ kỹ thuật vào những năm 1970.

Một nhà khoa học của dự án đã nhớ lại việc gói cáp của Voyager trong giấy nhôm - loại cho nhà bếp - để bảo vệ tàu khỏi bị rán giòn lên bởi những bức xạ mạnh.

Sau đó, mặc dù ban đầu tổng thống Richard Nixon muốn sứ mệnh này thực hiện hay chuyến bay ngang qua hành tinh và kéo dài 5 năm, nhưng các nhà khoa học xây dựng Voyager đã lên kế hoạch cho một sứ mệnh lâu dài hơn.

Bộ đôi Voyager 1 và 2 tiếp tục truyền về những đặc điểm hành tinh không giống bất cứ thứ gì chúng ta từng nhìn thấy, bao gồm các chi tiết về bề mặt Sao Mộc với cơn bão dữ dội của nó có kích thước lớn bằng hai Trái Đất, được đặt tên là Great Red Spot (Vết Đỏ Lớn).

Alan Cummings, nhà khoa học nghiên cứu cao cấp của Caltech (Viện công nghệ California), người đã bắt đầu làm việc cho dự án này vào năm 1973, cho biết: "Tại thời điểm đó những bức ảnh đưa về đẹp hơn bất kỳ ảnh chụp bởi kính thiên văn nào trên mặt đất”.

Voyager cũng đã khám phá ra những ngọn núi lửa đầu tiên ngoài Trái Đất ở trên vệ tinh Io, và các dấu hiệu của một đại dương bên dưới bề mặt vệ tinh Europa của Sao Mộc. Vệ tinh của Sao Thổ, Titan, có bầu khí quyển giống Trái Đất nhất trong Hệ Mặt Trời, trong khi vệ tinh Triton của Sao Hải Vương được cho là đang phun ra các mạch nước đá băng giá.

 

- 'Hãy trân trọng chấm xanh đó' -

Nhờ có những quan sát của Voyager về Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Hải Vương, Sao Thiên Vương, sách giáo khoa thiên văn đã được viết lại trên diện rộng, và đã "cách mạng hóa khoa học về thiên văn học hành tinh" NASA cho biết trong một sự kiện kỷ niệm trực tuyến về sứ mệnh nổi tiếng này.

Khi Voyager không có nhiều hành tinh để gặp trên quỹ đạo của nó, Carl Sagan đã cho máy quay hướng trở lại Trái Đất để chụp ảnh hành tinh của chúng ta lần cuối.

Từ khoảng cách 4 tỷ dặm (6,4 tỷ km), các hình ảnh được chụp vào ngày Valentine, 1990. Trái đất xuất hiện nhỏ xíu như một hạt bụi, một chấm nhỏ màu xanh trong ánh sáng Mặt Trời, nhỏ hơn cả một pixel trong không gian rộng lớn.

"Tôi nghĩ góc nhìn này nhấn mạnh trách nhiệm của chúng ta trong việc bảo tồn và trân trọng chấm xanh đó, ngôi nhà duy nhất mà chúng ta có", Sagan nói trong một cuộc họp báo vào thời điểm đó.

Chấm nhỏ màu xanh được khoanh tròn đánh dấu là Trái Đất. Hình ảnh do Voyager 1 chụp.

 

- Chúng đang ở đâu? -

Voyager 1 đã đi xa hơn bất kỳ tàu không gian nào do con người tạo ra, và đưa nó vào không gian liên sao, cách Trái Đất khoảng 20 tỷ km, tính đến tháng 8 năm 2012.

Voyager 2 đang trên đường tới vị trí đó và là tàu không gian duy nhất bay qua bốn hành tinh nhóm ngoài trong Hệ Mặt Trời của chúng ta.

Cả hai tàu không gian này đều sử dụng năng lượng plutonium. Chúng sẽ tiếp tục hành trình cho đến khi chúng hết nhiên liệu và sau đó sẽ chuyển động trên quỹ đạo quanh trung tâm thiên hà Milky Way của chúng ta.

Cummings cho biết các máy ảnh đã ngừng hoạt động từ lâu, nhưng khoảng năm công cụ vẫn đang tiếp tục thu thập dữ liệu. Các nhà khoa học vẫn nhận thông tin từ Voyager hàng ngày, và mong đợi có được các dữ liệu cho khoảng một thập kỷ nữa.

"Nó vẫn đang khám phá những điều mới bởi nó đang tới nơi mà chưa thứ gì từng tới trước đây", Stone nói.

Minh Phương

Theo Space Daily