uranus

Được phát hiện vào năm 1781, Sao Thiên Vương là một hành tinh băng khổng lồ chuyển động quanh Mặt Trời với chu kỳ quỹ đạo là 84 năm Trái Đất. Thế giới bí ẩn này chỉ là một cái chấm rất nhỏ khi quan sát qua các kính thiên văn nghiệp dư. Mặc dù vậy, thực tế là nó có một vành đai mỏng và tất cả là 27 vệ tinh đã biết cho tới nay.

Tuy nhiên, có những thứ trong số đó sẽ phải thay đổi: Những phép đo mới chỉ ra rằng có ít nhất hai va chạm có thể xảy ra giữa bốn trong số các vệ tinh của nó trong khoảng vài triệu năm tới đây.

Robert Chancia ở Đại học Idaho (Mỹ) cùng các đồng nghiệp của ông đặt mục tiêu có được những hiểu biết chi tiết hơn về vành Eta của Sao Thiên Vương. Họ khám phá ra rằng hình dạng của vành này không phải là tròn hoàn hảo mà hơi có dạng tam giác. Nguyên nhân của sự biến dạng này là vệ tinh nhỏ Cressida của Sao Thiên Vương - một thiên thể có đường kính 82 km. Dựa trên kích thước và hình ảnh của sự biến dạng, nhóm nghiên cứu đã có thể đo được khối lượng và mật độ của Cressida, qua đó xác định được rằng tương tác hấp dẫn giữa Cressida và các vệ tinh gần sẽ dẫn tới một vụ va chạm, nhiều khả năng nhất là giữa Cressida và Desdemona.

Va chạm giữa Cressida và Desdemona được dự tính sẽ diễn ra trong vài triệu năm nữa, và đó không phải là va chạm duy nhất giữa các vệ tinh đã được dự đoán. Năm 2012, các nhà nghiên cứu ở viện SETI gồm Robert French và Mark Showalter cũng đã xác định rằng hai vệ tinh khác của Sao Thiên Vương là Cupid và Belinda sẽ va chạm với nhau trong khoảng 10 triệu đến 1 tỷ năm nữa.

Những va chạm trong tương lai này càng rõ ràng hơn khi nhìn vào ánh sáng thu được của hai vành khuếch tán, cho thấy dường như các vành này hình thành từ những mảnh vụn để lại sau va chạm giữa hai vệ tinh khác (mà ngày nay đã không còn nữa) của Sao Thiên Vương.

Xác định số phận của Cressida không pải là mục tiêu ban đầu của nghiên cứu này. Nhóm nghiên cứu đã lên kế hoạch tìm nguyên nhân sự biến dạng của vành Eta - một vành có vận tốc quỹ đạo lớn hơn các hạt riêng lẻ trong hệ thống vành. Tốc độ biến dạng mà họ xác định được phù hợp với vận tốc của Cressida.

Kết quả là, Chancia và các đồng nghiệp đã có được phép đo đầu tiên về khối lượng của Cressida, xác định được rằng nó có khối lượng chỉ bằng 1/300.000 khối lượng của Mặt Trăng và có mật độ trung bình bằng 86% mật độ của nước. Như vậy Cressida có mật độ đặc hơn so với nhiều vệ tinh nhỏ của Sao Thổ, cho thấy nó có chứa một lượng đá tương ứng với lượng nước đóng băng.

Mặc dù những vụ va chạm vệ tinh sẽ xảy ra vào một ngày nào đó, chúng sẽ không phá hủy được toàn bộ các vệ tinh. Sao Thiên Vương có thể sẽ có những vệ tinh mới sau các vụ va chạm đó và các nhà thiên văn tương lai có lẽ sẽ đặt tên chúng là Cupbel và Cressdemona.

Bryan

Theo Astronomy