Dựa trên những quan sát thu được gần đây từ kính thiên văn khảo sát thuộc VLT của Đài quan sát châu Âu đặt tại Nam bán cầu (ESO), các nhà thiên văn đã phát hiện ra ba quần thể sao trẻ nằm trong cụm tinh vân Orion. Những phát hiện đáng ngạc nhiên này góp phần mở rộng tầm hiểu biết của chúng ta về sự hình thành các cụm tinh vân như thế. Điều này gợi ý về quá trình bùng nổ tạo sao với mỗi lần bùng nổ ngắn hơn chúng ta tưởng rất nhiều.
Máy ảnh quang học trường rộng – OmegaCAM gắn trên kính khảo sát VST (VLT Survey Telescope) đã chụp được chi tiết những hình ảnh ngoạn mục về tinh vân Orion cũng như các cụm tinh vân liên kết bao gồm nhiều ngôi sao trẻ. Tinh vân này là một trong những “vườn ươm” sao (bao gồm các sao có khối lượng cả lớn và nhỏ) gần chúng ta nhất với khoảng cách tới Trái Đất vào khoảng 1.350 năm ánh sáng.
Tuy nhiên, những khám phá này không chỉ dừng lại ở những bức ảnh kỳ vỹ. Trưởng nhóm nghiên cứu thiên văn ESO là Giacomo Beccari đã sử dụng những số liệu quan sát có chất lượng tốt hơn để tính toán độ sáng và màu sắc của tất cả các ngôi sao trong cụm tinh vân Orion. Điều này cho phép các nhà thiên văn xác định khối lượng và tuổi của chúng; và kết quả đáng ngạc nhiên là những ngôi sao này có thể thuộc vào ba độ tuổi khác nhau.
“Chúng ta sẽ có cảm giác ngạc nhiên và thú vị ngay lần đầu tiên nhìn vào những số liệu này và nó chỉ xảy ra một hoặc hai lần trong cuộc đời của các nhà thiên văn học” – tác giả chính của bài báo – Beccaro nhận xét khi trình bày kết quả công trình của mình. Chất lượng đáng tin cậy của những bức ảnh chụp được từ OmegaCAM tiết lộ một cách chắc chắn rằng chúng ta đang nhìn thấy những cụm sao ở trung tâm của tinh vân Orion.
Monika Petr-Gotzens - đồng tác giả bài báo cho biết thêm: “Đây là một kết quả quan trọng. Cái chúng ta đang nhìn thấy là những ngôi sao mới hình thành trong một cụm nhưng chúng lại không được hình thành tại cùng một thời điểm. Điều này có nghĩa là những hiểu biết trước đây của chúng ta về sự hình thành sao trong cụm sao có thể phải thay đổi”.
Các nhà thiên văn cũng xem xét kỹ khả năng sự khác nhau về độ sáng và màu sắc này không phải do khác biệt tuổi của sao mà do sự có mặt của những sao đồng hành chưa được nhìn thấy, khiến cho các sao đồng hành trở nên sáng và đỏ hơn thực tế. Tuy nhiên, ý tưởng này có thể ngụ ý tính bất thường của các cặp sao mà chúng ta chưa hề quan sát thấy. Những phép đo khác về các sao trong cụm này như tốc độ quay và phổ của chúng cũng chỉ ra rằng chúng phải có các độ tuổi khác nhau.
Beccari kết luận: "Mặc dù chúng ta không thể chính thức bác bỏ khả năng về những cặp sao kép, nhưng có vẻ hợp lý hơn khi cho rằng những gì chúng ta thấy là ba thế hệ sao được hình thành liên tiếp trong vòng chưa đến ba triệu năm”.
Những kết quả mới này gợi ý tương đối chắc chắn rằng cụm tinh vân Orion có sự tạo sao bùng nổ nhanh hơn những gì chúng ta nghĩ trước đây.
Phạm Thị Lý
Theo Space Daily