Voyager

Rất ít nhiệm vụ không gian có thể đạt được những thành tích của hai tàu không gian Voyager 1 và 2 trong suốt hành trình 40 năm qua. Bài viết này sẽ điểm qua những thành tích chính của hai con tàu này.

Những phát hiện về hành tinh:

Xuất phát năm 1977, Voyager đã mang lại nhiều khám phá bất ngờ từ những cuộc gặp gỡ với những hành tinh khí khổng lồ của Hệ Mặt Trời: Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương. Từ năm 1977 đến 1990, những thành tích mà hai nhiệm vụ này đạt được là:

  • Tàu không gian đầu tiên bay qua cả bốn hành tinh nhóm ngoài của Hệ Mặt Trời (Voyager 2)
  • Tàu không gian đầu tiên khám phá về vệ tinh của bốn hành tinh ngoài (cả 2 tàu )
    • 3 vệ tinh của Sao Mộc
    • 4 vệ tinh của Sao Thổ
    • 11 vệ tinh của Sao Thiên Vương
  • Tàu không gian đầu tiên bay qua bốn điểm đến là bốn hành tinh khác nhau.
  • Tàu không gian đầu tiên viếng thăm Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương.
  • Tàu không gian đầu tiên trực tiếp chụp ảnh về vành đai của Sao Mộc, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương.
  • Tàu không gian đầu tiên khám phá về những hoạt động núi lửa ngoài Trái Đất (trên vệ tinh Io của Sao Mộc- Voyager1)
  • Tàu không gian đầu tiên phát hiện sét trên một hành tinh khác Trái Đất (trên Sao Mộc- Voyager1)
  • Tàu không gian đầu tiên tìm thấy những gợi ý đầu tiên về một đại dương ngoài Trái Đất (trên vệ tinh Europa của Sao Mộc- cả 2 tàu)
  • Tàu không gian đầu tiên phát hiện khí quyển giàu Nitơ tìm thấy trên một hành tinh ngoài Trái Đất (vệ tinh Titan của Sao Thổ).

 

Những phát hiện về vật lý Mặt Trời:

Sau khi Voyager1 rời khỏi Sao Thổ vào tháng 11 năm 1980, nó đã bắt đầu một hành trình mà không có thiết bị nào của con người đã thực hiện trước đó: đi vào không gian giữa các vì sao. Ngày 25 tháng 8 năm 2012, nó đã đi vào vùng không gian liên sao, vượt ra ngoài nhật quyển – phạm vi từ trường chứa bên trong cả Mặt Trời, các hành tinh và gió Mặt Trời. Voyager2 rời khỏi Sao Hải Vương vào tháng 8 năm 1989, và được kỳ vọng rằng sẽ tiến vào không gian liên sao trong vài năm tới đây. Hai tàu Voyager đã cho chúng ta biết rất nhiều về mức độ ảnh hưởng của Mặt Trời và bản chất thực sự của không gian nằm ngoài các hành tinh của chúng ta.

  • Tàu không gian đầu tiên rời khỏi nhật quyển và tiến vào không gian liên sao (Voyager1).
  • Tàu không gian đầu tiên đo được cường độ đầy đủ của tia vũ trụ- những nguyên tử được gia tốc đến gần vận tốc ánh sáng –trong không gian liên sao (Voyager1).
  • Tàu không gian đầu tiên đo được từ trường trong không gian liên sao (Voyager1).
    Tàu không gian đầu tiên đo được mật độ của môi trường liên sao – những vật chất được ném ra ngoài trong những vụ nổ supernova xa xưa (Voyager1).
  • Tàu không gian đầu tiên đo được điểm chuyển tiếp của gió Mặt Trời - ranh giới nơi các hạt mang điện trong gió Mặt Trời chậm lại xuống dưới vận tốc âm thanh khi chúng bắt đầu bị đầy vào môi trường liên sao (Voyager2).


Thành tựu công nghệ và các kỷ lục

Cả hai tàu Voyager đã xuất phát với thiết kế và các thiết bị mang theo gần giống nhau, được thiết kế để chịu được môi trường bức xạ khắc nghiệt của Sao Mộc- thách thức vật lý lớn nhất các nhà chế tạo gặp phải. Và những sự chuẩn bị cho nguy cơ tại Sao Mộc cũng đã đảm bảo rằng Voyager 1 và 2 sẽ được trang bị tốt nhất cho phần hành trình còn lại của chúng. Những tiến bộ công nghệ mà Voyager đạt được xác lập chuẩn mực cho các nhiệm vụ trong tương lai.

  • Tàu không gian đầu tiên được bảo vệ đặc biệt để chống bức xạ, đồng thời thiết lập tiêu chuẩn cho các thiết kế chống bức xạ vẫn được dùng cho đến ngày nay.
  • Tàu không gian đầu tiên được bảo vệ chống lại sự thất thoát điện ra ngoài.
  • Tàu không gian đầu được điều khiển bằng máy tính kết nối trực tiếp.
  • Tàu không gian đầu tiên có khả năng tự phát hiện các vấn đề và tự khắc phục.
  • Lần đầu tiên sử dụng mã Reed-Solomon cho dữ liệu - một thuật toán để giảm sai sót trong truyền tải và lưu trữ dữ liệu, được sử dụng rộng rãi ngày nay.
  • Các kỹ sư lần đầu tiên kết nối anten mặt đất với nhau để có thể nhận được nhiều dữ liệu hơn (thực hiện trong lần Voyager 2 tiếp cận Sao Thiên Vương).

Ngoài ra, các tàu Voyager còn thiết lập nên những kỉ lục về độ bền và khoảng cách:

  1. Tàu không gian hoạt động liên tục dài nhất (Voyager2, vượt qua kỉ lục trước đó của Piooner 6, xác lập vào ngày 13 tháng 8 năm 2012).
  2. Tàu không gian có khoảng cách xa nhất với Mặt Trời(Voyager1, vượt qua kỉ lục của Piooner 10 vào 17/2/1998, và hiện tại là khoảng 21 tỉ km)

Cả hai tàu Voyager được chế tạo bởi phòng thí nghiệm động cơ phản lực của NASA ở Pasadena, California. Để biết thêm thông tin về tàu vũ trụ Voyager, hãy truy cập: https://www.nasa.gov/voyager

Vũ Đắc Cường

Theo NASA