Đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng 8 này, Việt Nam sẽ là một trong những khu vực có thể quan sát trọn vẹn nguyệt thực một phần. Đây có thể coi là hiện tượng thiên văn được trông đợi nhất trong năm 2017 đối với người quan sát tại Việt Nam.

Hình ảnh nguyệt thực một phần có dạng tương tự như nguyệt thực sẽ diễn ra vào tháng này.

 

Nguyệt thực là gì?

Nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trăng nằm ở phía bên kia của Trái Đất so với Mặt Trời và đi vào vùng bóng tối phía sau Trái Đất. Do ánh sáng của Mặt Trăng mà chúng ta quan sát thấy trên thực tế là ánh sáng phản xạ từ Mặt Trời nên khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối này chỉ có rất ít ánh sáng Mặt Trời được chiếu tới và phản xạ trên bề mặt của nó, khiến cho Mặt Trăng tối hơn thông thường rất nhiều và vùng bị che khuất có màu đỏ thẫm (đối với vùng bóng tối hoàn toàn) hoặc đỏ nhạt (đối với vùng bóng nửa tối).

Mặc dù xảy ra nhiều hơn và dễ quan sát hơn nhật thực, trên thực tế nguyệt thực vẫn là hiện tượng thiên văn thú vị được người quan sát rất quan tâm do nó không diễn ra quá thường xuyên. Nếu như mặt phẳng quỹ đạo của Mặt Trăng quanh Trái Đất trùng với mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời thì bất cứ tuần Trăng nào cũng có một lần nguyệt thực và một lần nhật thực. Tuy nhiên, vì hai mặt phẳng này lệch nhau nên chúng cắt nhau theo một giao tuyến, nguyệt thực và nhật thực chỉ diễn ra khi cả Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng cùng nằm trên giao tuyến đó. Nhưng cũng nhờ sự hiếm hoi đó mà chúng ta mới thấy sự thú vị của những hiện tượng này, cũng như mới thấy được Trăng tròn rất sáng vào những tháng thông thường.

Đọc chi tiết bài: Nhật thực và nguyệt thực.

Cơ chế của hiện tượng nguyệt thực

Nguyệt thực tháng 8 năm 2017

Tháng 8 năm 2017 này, nguyệt thực một phần sẽ diễn ra. Khu vực quan sát được trọn vẹn hiện tượng này gồm phần lớn châu Á, bờ Đông châu Phi và hầu hết châu Đại Dương. Phần còn lại của châu Á, châu Phi và toàn bộ châu Âu có thể quan sát một phần hiện tượng này. Việt Nam nằm trong khu vực có thể quan sát trọn vẹn hiện tượng.

Dưới đây là bản đồ hiển thị những khu vực quan sát được nguyệt thực lần này (nguồn: NASA). Việt Nam nằm trong khu vực "All Eclipse Visible" - khu vực có thể quan sát toàn bộ quá trình diễn ra hiện tượng.

Theo giờ Việt Nam, nguyệt thực sẽ diễn ra theo lịch trình như sau:

  • 22h50 ngày 7/8: nguyệt thực nửa tối bắt đầu.
  • 00h22 ngày 8/8: nguyệt thực một phần bắt đầu
  • 01h20 ngày 8/8: nguyệt thực đạt cực đại
  • 02h18 ngày 8/8: nguyệt thực một phần kết thúc
  • 03h50 ngày 8/8: nguyệt thực nửa tối kết thúc

Như vậy, phần lớn thời gian diễn ra nguyệt thực sẽ rơi vào sau nửa đêm 7/8, tức đã bước sang rạng sáng ngày 8/8. Ở pha nguyệt thực nửa tối, Mặt Trăng mới đi vào vùng bóng nửa tối của Trái Đất nên nó còn rất sáng, chỉ tối đi một chút và có thể có màu đỏ nhạt (đôi khi không nhận ra rõ ràng, nhất là khi có ô nhiễm ánh sáng hoặc bụi). Vào pha một phần, Mặt Trăng bắt đầu đi vào vùng bóng tối hoàn toàn của hành tinh chúng ta và phần đi vào vùng đó chuyển sang màu đỏ thẫm và rất tối so với phần còn lại (đôi khi không thấy màu đỏ mà chỉ thấy rất tối do điều kiện khí quyển). Pha một phần này là giai đoạn đáng chú ý nhất khi quan sát hiện tượng này (do nguyệt thực lần này không đạt tới toàn phần).

Mô phỏng vị trí của Mặt Trăng khi đi vào bóng của Trái Đất. Bạn cũng có thể thấy được độ che khuất cực đại của lần nguyệt thực này.

Để quan sát, bạn không nhất thiết phải sử dụng các dụng cụ chuyên dụng, do mắt thường hoàn toàn có thể quan sát thuận lợi hiện tượng mà không có bất cứ đe doạ nào cho thị lực. Mặc dù vậy, hình ảnh mà bạn quan sát được sẽ đẹp và thú vị hơn nếu có một chiếc kính thiên văn nhỏ hoặc ống nhòm. Những ống kính camera có độ phóng đại quang học cao (trên 10x) cũng sẽ là dụng cụ hỗ trợ quan sát tốt cho bạn.

Nguyệt thực là hiện tượng dễ quan sát và bất cứ ai cũng dễ dàng tìm thấy Mặt Trăng khi nó có mặt trên bầu trời. Mặc dù vậy, bạn chỉ có thể quan sát khi điều kiện thời tiết cho phép, trời không mưa và không mây (hoặc rất ít mây). Bạn cũng đừng quên chủ ý bảo vệ sức khoẻ và an ninh cá nhân khi quan sát ngoài trời vào thời gian như nêu trên.

Đặng Vũ Tuấn Sơn