EBLM J0555-57Ab

Ngôi sao này chỉ lớn hơn một chút so với Sao Thổ - hành tinh chưa phải là lớn nhất trong Hệ Mặt Trời. Nhưng nó vẫn đủ nặng để có thể toả sáng như một ngôi sao, với trọng lực bề mặt lớn gấp 300 lần so với Trái Đất.

Đêm 12 tháng 7 vừa qua, một nhóm các nhà thiên văn học đứng đầu bởi Đại học Cambridge đã thông báo việc phát hiện ngôi sao nhỏ nhất từng được biết tới. Ngôi sao này nhỏ hơn Sao Mộc - hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời của chúng ta. Chính xác là nó chỉ lớn hơn Sao Thổ (hành tinh lớn thứ hai) một chút. Nhưng nó không phải một hành tinh. Nó là một ngôi sao với khối lượng lớn hơn nhiều so với Sao Mộc và Sao Thổ. Khối lượng càng lớn có nghĩa là lực hấp dẫn càng lớn. Trong lực ở ngôi sao này lớn gấp 300 lần so với Trái Đất, trong khi Sao Mộc có trọng lực chỉ lớn hơn của hành tinh chúng ta 2,5 lần.

Ngôi sao này được các nhà thiên văn học ký hiệu là EBLM J0555-57Ab, nó nằm cách chúng ta khoảng 600 năm ánh sáng.

Liệu sao có thể nhỏ hơn cả như thế? Các nhà thiên văn cho rằng điều đó rất khó xảy ra bởi để gây ra phản ứng nhiệt hạch mà qua đó sao có thể phát sáng thì một ngôi sao cần đạt một khối lượng tối thiểu nhất định - tác giả chính của nghiên cứu là Alexander Boetticher cho biết.

"Khám phá của chúng tôi hé lộ rằng một ngôi sao có thể nhỏ tới mức nào. Nếu như ngôi sao hình thành với khổi lượng chỉ nhỏ hơn một chút thì phản ứng nhiệt hạch hydro ở tâm của nó sẽ không được duy trì và ngôi sao như vậy sẽ trở thành sao lùn nâu."

EBLM J0555-57Ab là một phần trong một hệ kép. Nó được xác định khi di cuyển qua phía trước của sao đồng hành có kích thước lớn hơn nhiều bởi kỹ thuật quá cảnh (kỹ thuật được sử dụng để xác định rất nhiều ngoại hành tinh). Đối với việc tìm kiếm các ngoại hành tinh, các nhà thiên văn học cho biết những sao mờ và nhỏ như EBLM J0555-57Ab là những ứng viên tiềm năng nhất để tòm kiếm những ngoại hành tinh cỡ Trái Đất có thể có nước lỏng trên bề mặt của chúng.

Trên thực tế, EBLM J0555-57Ab có thể được so sánh với TRAPPIST-1, một sao lùn cực lạnh được phát hiện gần đây với ít nhất là bảy hành tinh cỡ Trái Đất chuyển động quanh nó. Ngôi sao vừa được phát hiện có khối lượng tương đương với TRAPPIST-1, nhưng bán kính thì nhỏ hơn khoảng 30%.

Boetticher nói: "EBLM J0555-57Ab nhỏ hơn, và có vẻ lạnh hơn so với nhiều ngoại hành tinh khí khổng lồ đã được xác định cho tới nay. Dù điều nay thực sự thú vị đối với vật lý nghiên cứu sao, việc đo kích thước của những sao nhỏ và mờ thế này thường khó hơn so với những hành tinh lớn hơn. May thay, chúng tôi có thể tìm thấy các sao nhỏ như vậy với những thiết bị tìm kiếm hành tinh khi chính chuyển động quanh một sao lớn hơn trong những hệ kép. Mặc dù có vẻ khó tin,nhưng đôi khi tìm kiếm một ngôi sao lại khó hơn là tìm một hành tinh."

L.C

Theo Earth Sky