Ngoại hành tinh

Hệ HIP 65426 rất ... kỳ lạ. Ngôi sao này quay với tốc độ nhanh gấp 150 lần Mặt Trời của chúng ta, và mặc dù tuổi còn trẻ (14 triệu năm) nhưng nó không có một đĩa vật chất nào. Nó còn có một hành tinh khí khổng lồ kỳ lạ nằm ở khoảng cách gấp 100 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời, ở thời điểm mà hầu hết các hành tinh thông thường chưa di chuyển ra đến khoảng cách đó.

Nhiều hành tinh có vẻ như đang “thách thức các cơ chế hình thành” của tất cả các hành tinh, ít nhất là theo các thông cáo báo chí. Nhưng cái này là thật: chúng ta chưa bao giờ thấy trường hợp nào giống như ở HIP 65426.

Các nhà nghiên cứu ở Viện Max Planck đã chụp ảnh trực tiếp một hành tinh bằng việc sử dụng thiết bị Nghiên cứu ngoại hành tinh với độ tương phản cao bằng quang phổ-phân cực kế (SPHERE), làm mờ đi ánh sáng từ sao mẹ để lộ ra ánh sáng phản xạ từ hành tinh.

Đây là đối tượng đầu tiên được phát hiện bởi thiết bị này, và hiện tại nó cũng là hành tinh duy nhất được phát hiện trong hệ HIP 65426. Kết quả này được đăng trong tạp chí Astronomy & Astrophysics. Hành tinh được phát hiện vẫn còn ấm bởi nhiệt từ quá trình hình thành, với nhiệt độ ước tính là 2.400 độ F (khoảng 1.300 độ C). Khối lượng của nó khoảng từ 6 đến 12 lần khối lượng Sao Mộc, có nghĩa là nằm chắc chắn trong khoảng khối lượng của hành tinh (chứ không phải là một sao lùn nâu, hay còn gọi là “sao thất bại”).

Hành tinh HIP 65426b là điểm sáng nằm ở góc dưới bên trái. Nó được ghi hình bởi thiết bị SPHERE bằng kỹ thuật loại bỏ ánh sáng từ sao mẹ (nằm ở tâm của vòng tròn)

Hầu hết các hành tinh khí khổng lồ không có quỹ đạo cách xa hành tinh mẹ trừ khi quỹ đạo của nó bị làm nhiễu loạn – đó cũng là một trong những kịch bản mà các nhà nghiên cứu đang xem xét về sự hình thành của nó. Trong kịch bản này, hành tinh được hình thành ở khoảng cách gần, trong khi quỹ đạo của một hành tinh khác cũng đang hình thành trong hệ trở nên không ổn định. Hành tinh đó rơi về phía ngôi sao, và đẩy HIP 65426b ra ngoài đến khoảng cách 100 AU. Một khả năng khác cũng được các nhà nghiên cứu xem xét là ngôi sao và hành tinh hình thành tại cùng một thời điểm, điều mà tới nay chưa từng được phát hiện.

Dù bằng cách nào trong hai cách trên thì hệ này vẫn còn rất nhiều điều cần được giải thích.

Gia Linh

Theo Astronomy