Spacecraft

Thais Russomano là nữ bác sĩ đầu tiên ở Mĩ Latin chuyên về y học không gian và cũng là người sáng lập, giám đốc của InnovaSpace và MicroG - các trung tâm nghiên cứu về sinh học không gian. Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, bà đã đề cập đến những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe mà các tình nguyện viên tham gia vào chuyến đi dài tới Sao Hỏa có thể phải đối mặt.

Mars One là một dự án nhằm thiết lập một khu vực định cư lâu dài cho con người trên Sao Hỏa, bằng cách đưa con người đến hành tinh này, từ đó xây dựng nên khu dân cư ổn định. Đây là một dự án đầy tham vọng, tuy nhiên nó cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik Brazil, đồng tổ chức bởi trường Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga và Dự án 5-100, nhà y học người Mĩ Latin Thais Russomano đã tiết lộ rằng phần lớn các thách thức này liên quan đến vấn đề sức khỏe của con người.

“Đây quả thực là một dự án hết sức mạo hiểm. Việc ước định mọi rủi ro để ngăn ngừa nguy cơ tử vong hay những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của con người là một điều rất quan trọng.”, chuyên gia này cho biết.

Theo những gì Russomano chia sẻ, những cư dân Sao Hỏa tương lai có thể phải đối mặt với ba thách thức chính, bao gồm: sự thay đổi về lực hấp dẫn, bức xạ cao và những vấn đề về tâm lý.

“Chẳng hạn trong một con tàu không gian có ba hoặc bốn người. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau và rồi họ cùng rời khỏi Trái Đất. Rất khó cho họ để có thể cùng tồn tại và giao tiếp với nhau" - bà nói.

“Những người được chọn phải từ bỏ gia đình, bạn bè …. Tất cả những căng thẳng, lo âu ấy sẽ còn nhân lên rất nhiều bởi sự thay đổi trường hấp dẫn, bức xạ và các khía cạnh tâm lí xã hội. Chúng cùng tác động tới tình trạng của một người khi họ bay từ Trái Đất tới Sao Hỏa."

Russomano tin rằng về mặt lý thuyết, các nhà khoa học có thể tạo ra trường hấp dẫn phía bên trong con tàu giống như ở Trái Đất. “Có lẽ, chúng ta có thể giải quyết vấn đề nhờ sự giúp đỡ của công nghệ và vốn đầu tư nếu con người có thể tạo ra được những điều kiện như vậy, chẳng hạn như bằng kỹ thuật ly tâm.”

Tuy vậy, việc giải quyết các vấn đề về bức xạ có thể trở nên khá phức tạp, bởi lẽ các phương pháp đang được áp dụng để đảm bảo an toàn cho phi thuyền sẽ làm nó quá nặng để có thể bay lên.

“Ví dụ, nếu như chúng ta sử dụng nước như một phương pháp để bảo vệ khỏi bức xạ từ ngoài không gian, con tàu sẽ trở nên nặng vô cùng. Có lẽ, cách tốt nhất để giảm thiểu bức xạ, thậm chí cả ảnh hưởng của nó tới cơ thể con người là giảm thiểu thời gian bay.”

“Chẳng hạn thay vì một nhiệm vụ dài khoảng sáu tháng, một chuyến bay có thể rút ngắn xuống còn ba tuần. Tôi nghĩ rằng trong chuyến đi đầu tiên tới Sao Hỏa, chúng ta cần phải có sự kết hợp thật tốt giữa sự nỗ lực và những nguồn đầu tư khổng lồ trong kỹ thuật không gian, vật lí trị liệu và y học không gian để có thể giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đến từ ba khía cạnh này.” Russomano kết luận.

Lê Hương Giang

Theo Space Daily