2007or10 moon 12007 OR10 là thiên thể lớn nhất chưa được đặt tên riêng trong Hệ Mặt Trời. Nó có đường kính khoảng từ 1.290 đến 1.528 km, tức là lớn hơn hành tinh lùn Haumea và có thể lớn hơn cả Makemake - mặc dù vậy, cho tới nay, IAU vẫn chưa xếp nó vào nhóm hành tinh lùn một cách chính thức. Mới đây, các nhà thiên văn đã phát hiện ra một vệ tinh của thiên thể này.


Như cái tên đã cho biết, 2007 OR10 là thiên thể được phát hiện vào năm 2007. Nó là một thiên thể lớn của vành đai Kuiper và được xếp vào nhóm ứng viên hành tinh lùn. Theo những quan sát và ước tính chi tiết nhất vào năm 2006 thì nó có kích thước lớn hơn tính toán trước đó, lớn hơn cả Haumea và có thể cả Makemake vốn là hai thiên thể đã được công nhận chính thức là hành tinh lùn. Nhà khoa học hành tinh nổi tiếng Mike Brown (người đã tính ra sự tồn tại của Hành tinh thứ Chín vào năm ngoái) cho rằng nó là thiên thể lớn thứ tư của vành đai Kuiper, sau Pluto, Eris và Makemake trong khi một số ước tính khác cho rằng nó còn lớn hơn Makemake. Người phát hiện ra sự tồn tại của thiên thể này chính là một sinh viên vừa tốt nghiệp của Mike Brown vào thời điểm đó, tên là Meg Schwamb.

2007 OR10 là một thiên thể băng có màu đỏ, chuyển động quanh Mặt Trời trên quỹ đạo elip dẹt với cận nhật chỉ cách Mặt Trời 33 AU (xa hơn một chút so với Sao Hải Vương) còn viễn nhật có khoảng cách 101 AU. (AU là kí hiệu viết tắt của đơn vị thiên văn, 1 AU được qui ước là khoảng cách trung bình từ Trái Đất đến Mặt Trời - khoảng 149,6 triệu km, hoặc thường làm tròn là 150 triệu km).

2007 OR10 có tốc độ tự quay rất chậm, khoảng 45 giờ. Điều này không giống với những thiên thể khác trong vành đai Kuiper đã được biết tới. Các nhà khoa học dự đoán rằng hấp dẫn từ một vệ tinh lớn đã làm cho thiên thể này quay chậm lại (giống như Mặt Trăng đã làm với Trái Đất). Với nghi vấn đó, các nhà thiên văn đã sử dụng dữ liệu của kính thiên văn không gian Hubble và phát hiện ra vệ tinh của nó qua hai bức ảnh được chụp cách nhau một năm cho thấy chuyển động quỹ đạo của vệ tinh quanh 2007 OR10.

2007or10 moon

Hai hình ảnh chụp vào năm 2009 và 2010 đã cho thấy có một vệ tinh chuyển động quanh 2007 OR10



Vệ tinh mới phát hiện này được ước tính là có đường kính từ 240 đến 400km.

Việc có một vệ tinh lớn này cùng với tính toán về kích thước đã được công bố năm ngoái có lẽ sẽ là yếu tố thúc đẩy thêm để thiên thể này sớm có một tên gọi cụ thể thay vì kí hiệu như hiện nay cũng như việc xem xét để nó chính thức được công nhận là một hành tinh lùn.

Phát hiện này vừa được công bố trên Astrophysical Journal Letters.

Bryan
Tham khảo: Hubblesite, Astronomy